Tegami – Thư là câu chuyện về những lá thư trong tù của phạm nhân cướp của giết người Takeshima Tsuyoshi đến người em trai Takeshima Naoki. Nhưng Naoki lại chẳng mong muốn những lá thư đó gửi đến. Bởi đấy là minh chứng cho quá khứ, cho vết nhớ trong cuộc đời, cho định kiến mà miệng lưỡi thế gian dành cho anh – người nhà của phạm nhân.
Cũng như bao cuốn sách khác của Higashino Keigo, tiểu thuyết Tegami – Thư không đặt nặng ở yếu tố trinh thám. Các sự kiện xuất phát từ một vụ án, liên quan đến chất phá án chỉ là chất xúc tác, là tầng đá vỉa bên ngoài để tạo tiền đề cho câu chuyện phát triển. Tầng sâu ý nghĩa của tác phẩm nằm ở tâm lý, suy nghĩ nội tâm của từng nhân vật; là cách tác giả dẫn truyện, làm cho câu chuyện chảy trôi đầy tự nhiên song cũng vô cùng ám ảnh, day dứt. Như hơi thở cuộc sống: lặng lẽ trôi đi đầy vô tình mà khiến cả người trong cuộc lẫn những người xung quanh, ngay chính độc giả, nghĩ mãi chẳng thể dứt ra.
Cũng vì câu chuyện nhẹ về yếu tố trinh thám, nặng về yếu tố tâm lý nên có thể nói, Tegami – Thư có một cốt truyện, nội dung hết sức đơn giản: Hai anh em nhà Takeshima mồ hôi cả cha lẫn mẹ. Người anh Tsuyoshi, để thực hiện khát vọng giúp em trai là Naoki vào đại học, đã làm việc cật lực đến nỗi sức khỏe kiệt quệ. Trong cơn tuyệt vọng vì thất nghiệp mà ngày thi đại học của em trai mỗi lúc một đến gần, Tsuyoshi đã gây ra tội ác: Cướp của giết người. Anh ta bị cảnh sát tóm gọn một cách nhanh chóng. Trong thời gian ở tù, Tsuyoshi được phép gửi cho em trai một lá thư vào mỗi tháng. Nhưng, một kẻ ở tù, cách xa với cuộc sống bên ngoài như Tsuyoshi, không biết được rằng sự tồn tại của anh ta, những lá thư mà anh ta gửi đã trở thành gánh nặng, bóng ma quá khứ mỗi lúc một đào sâu thêm sự định kiến mà người đời đối với Naoki, khiến cho Naoki, chẳng thể ngẩng mặt sống một cách chính trực trước cuộc đời.
Với một cốt truyện đơn giản như thế, cũng không đao to búa lớn như nhiều tác phẩm sau này hướng đến những gì quá vĩ mô như luật pháp của một đất nước, vấn đề bảo vệ môi trường hay sự tồn vong của cả nhân loại…; Higashino Keigo đã tạo dựng được một tuyến nhân vật, không quá đông nhưng lại rất người, rất đời và rất thực.
Đó là Takeshima Tsuyoshi, gần như không thấy bóng, không thấy hình nhưng lại luôn hiện hữu qua từng lá thư anh ta gửi. Vẫn nói, Tsuyoshi ở từng lá thư cứ hồn nhiên, vô tư, không nghĩ đến cảm nhận của những người bên ngoài, song, liệu điều đó có thật không? Sự cô đơn của kẻ chỉ biết nhìn thời gian qua đi, sự sám hối ăn mòn một con người hiện tại và mãi mãi về sau, sự ăn năn khi đã gây ra khó khăn cho người em ruột anh ta hằng yêu quý… Tsuyoshi vô tư ư? Hẳn là không phải. Mà anh ta chỉ cố tỏ ra vô tư bởi anh ta hiểu, anh ta không có quyền để thể hiện nỗi cô đơn để từ đó, đòi hỏi Naoki hay gia đình nạn nhân bất cứ điều gì.
Tuy vậy, những lá thư của Tsuyoshi thực sự cần thiết? Về điều này lại chẳng thể cắt nghĩa rõ ràng bởi nếu làm rõ trên khía cạnh nào, cũng đều thấy nó thật nghiệt ngã. Nhưng riêng với Tsuyoshi, viết thư là cần thiết. Bởi đó là cách duy nhất anh ta, một phạm nhân cướp của giết người, đã mất đi quyền công dân còn có thể liên hệ với thế giới bên ngoài, là cách duy nhất anh ta khẳng định được rằng mình vẫn đang sống, đang tồn tại.
Đó là Takeshima Naoki, em trai của hung thủ, người đã cố vẫy vùng để vượt thoát khỏi vết nhơ trong quá khứ để làm lại cuộc đời, mà càng vẫy vùng, Naoki như càng chìm sâu thêm vào vũng lầy vô định. Vũng lầy đó có tên là định kiến, là miệng lưỡi thế gian về cái danh người ta gán cho anh “em trai của tội phạm cướp của giết người”. Mà không chỉ Naoki của hiện tại, gia đình anh sau này cũng là nạn nhân của định kiến ấy. Vì thế, Naoki có những hành động hết sức cực đoan, đã từng thử đối mặt với tất cả, những đến cuối cùng, thứ anh nhận về chỉ là trái đắng. Để rồi chính Naoki cũng kì thị bản thân mình. Để anh nhận ra, cuộc đời anh là một bản nhạc buồn đầy tuyệt vọng. Cũng như việc, dù anh có đoạn tuyệt, cũng chẳng thể thay đổi được sự thật Takeshima Naoki là em trai của Takeshima Tsuyoshi. Có thể nói chăng, Naoki, có gì đó thật giống với Ryoji hay Yukiho và rất nhiều nhân vật khác trong sáng tác của Keigo-sensei, dù ở hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác, mang số phận này hay số phận kia, tất cả đều như đang lần dần bước đi vào màn “đêm trắng” không lối thoát.
Và mỗi chương truyện qua đi, lại xuất hiện những nhân vật, có thể chỉ thoáng qua, cũng có thể đóng vai trò chủ đạo trong chương đấy, dù là vô tình hay hữu ý, đang góp phần mỗi lúc một tô đậm thêm màn “đêm trắng” mà Naoki đang bước. Họ, có tên tuổi, danh tính, nhưng đều như đại diện cho hai chữ “định kiến”, hai tiếng “trừng phạt” cho tội ác mà Tsuyoshi gây ra. Đúng như ông Hirano đã từng nói: “Họ kì thị là lẽ đương nhiên”, “Tội phạm bắt buộc phải nhận thức được chuyện này. Vấn đề không phải cứ vào tù là xong. Họ phải hiểu rằng sự trừng phạt không chỉ nhắm vào mỗi mình họ”.
Vì thế, đến cuối cùng, có lẽ chẳng thể trách cứ hay đổ lỗi cho bất cứ ai. Bởi mọi vấn đề, mọi suy nghĩ, mọi hành động của con người xuất hiện trên trang văn của Keigo-sensei đều hợp tình, hợp lý, hợp suy nghĩ mà một người bình thường sẽ nghĩ đến. Không thể yêu, không thể trách, không thể ghét hoàn toàn, chính vậy mà cõi lòng độc giả khi tiếp xúc với tuyến nhân vật trong Tegami – Thư lại càng thêm nặng nề, day dứt. Chẳng phải, con người vốn thích những gì rõ ràng sao? Nhưng bản chất đời sống lại chẳng khi nào rõ ràng, dễ dàng để người ta thấu hiểu, cắt nghĩa đến thế. Và mỗi bóng hình xuất hiện trong Thư, lại lần nữa xoáy sâu vào tâm trí những suy ngẫm, khắc khoải nhân sinh về hai tiếng con người, về hai chữ làm người giữa cuộc đời vốn thiện – ác đan xen như này.
Tuy nhiên, giữa sắc màu u ám, trầm uất của Tegami – Thư, vẫn có những cá nhân như Kurata, Shiraishi Yumiko hay Terao Yusuke , để ít nhất, người đọc còn thấy điểm sáng giữa màn “đêm trắng”. Họ có thể là người cùng chung hoàn cảnh như Naoki nên dễ đồng cảm, thấu hiểu cho nỗi đau của anh từ tận đáy lòng. Đó có thể người bạn chơi với Naoki bằng tất cả sự vô tư, trong sáng, hào sảng, nghĩa hiệp nhất. Họ là tình đời, tình người, để đến tận cùng, Tegami – Thư có đau thương, tuyệt vọng, có nghiệt ngã, tăm tối đến thế nào cũng vẫn còn hi vọng le lói về tương lai hay ngày mai.
Được viết vào năm 2003, có thể nói, mọi bối cảnh, không gian trong Tegami – Thư so với thời điểm hiện đại đều khá cổ kính. Nhưng chính sự cổ kính đó lại hợp với bầu không khí ngột ngạt, u ám như đêm trường bất tận đến lạ. Một không khí rất Nhật với những con người mất đi căn cước, đang vẫy vùng để có thể nói được lên tiếng nói cá nhân, để chứng minh rằng bản thân đang tồn tại giữa cuộc đời. Một Tsuyoshi mất quyền công dân vì làm điều ác vẫn cố níu giữ chút niềm con người cuối cùng qua việc anh ta viết thư đến những người xung quanh. Một Naoki muốn chối bỏ thân phận thật là em trai kẻ sát nhân để dựng lên căn cước mới, hi vọng có cuộc đời tươi đẹp hơn. Một Shiraishi luôn muốn Naoki sống thật mạnh mẽ, đường hoàng nhưng chính bản thân cô lại luôn sống trong cảnh lo âu, sợ sệt, chui lủi vì món nợ của người cha. Một Yusuke vật lộn trong ngành giải trí chỉ để khẳng định được cái tôi với quan điểm nghệ thuật: âm nhạc phải là âm nhạc, ở đó trước là chuyên chở tài năng của người nghệ sĩ, sau đấy mới đến thỏa mãn phục vụ số đông khán giả… Những con người của năm 2003, nhưng dưới ngòi bút của Keigo-sensei, lại hiện lên như con người Nhật Bản thời hiện đại nói riêng, như con người nói chung.
Ngoài một không khí cùng những con người rất Nhật để tạo nên cái riêng cho tác phẩm, Tegami – Thư còn là câu chuyện chung của con người trên thế giới, về tâm lý chung của loài người khi đối diện với những kẻ “lạc loài”, những ai thuộc về phần thiểu số. Phải, đó là tội phạm và người thân của tội phạm.
Nếu như trong Akui – Ác ý, thành kiến tạo nên ác ý, từ ác ý mà cấu thành tội ác; thành kiến đó, xuất phát từ sự đớn hèn, từ sự giáo dục của gia đình, nhà trường. Thì đến với Tegami – Thư, vẫn là câu chuyện thành kiến ấy nhưng định kiến bây giờ xuất phát từ chính tâm lý chung của người đời khi đứng trước tội ác. Kẻ phạm tội chịu sự phán xét của pháp luật, còn người thân của họ sẽ phải chịu phán xét của người đời: bị đối xử như người ngoài lề, bị xa lánh, kì thị… dù bản thân người đó không làm bất cứ điều gì sai. Keigo-sensei đã gọi đó là tâm lý tự bảo vệ, hành vi “chống phân biệt đối xử”, hay chính là phản xạ tự nhiên, không điều kiện của con người khi gặp phải một sự việc, trái với đường ray, quỹ đạo cuộc sống yên bình. Luật pháp, có thể chỉ là một thứ “thánh giá rỗng”, nhưng miệng lưỡi thế gian chính là thứ luật không tên, không văn bản ràng buộc tất cả những ai trong cuộc: cả kẻ phạm tội, gia đình tội phạm, và cả nạn nhân nữa.
Nhưng vì thế mà thứ luật không thành văn đẩy người trong cuộc mãi chìm sâu vào vũng lầy, vào “đêm trắng” chẳng thấy ngày mai. Đó là sự trừng đầy nghiệt ngã, đau đớn với một bộ phận thiểu số kia. Đến nỗi, lúc Naoki đủ dũng khí đối diện với người anh trai sau khi đã trải qua đủ thương đau, vẫy vùng mọi cách để vượt thoát quá khứ, vẫn nghẹn lại mà thốt lên: “Anh ơi! Naoki thầm gọi trong tim. Tại sao chúng ta lại sinh ra trên đời này”. Bài hát Imagine Naoki đã từng cất tiếng hát, xuất hiện thấp thoáng, trở đi trở lại, làm thành kết cấu đầu cuối tương ứng cho Tegami – Thư như chính nguyện vọng Naoki đã từng: một thế giới không còn ranh giới, một thế giới chẳng có phân chia, định kiến. Để rồi, Naoki lại chẳng thể cất tiếng hát lên lần nữa, bởi anh đã hiểu, nguyện vọng đó mãi chỉ lại vọng tưởng trước hiện thực tăm tối, phũ phàng.
Bên cạnh vấn đề : “Thành kiến trong lòng người khác như ngọn núi lớn, cho dù ngươi có cố dịch chuyển thế nào cũng chỉ là mơ mộng hão huyền.” (Thân Công Báo – Na Tra Ma đồng giáng thế), Tegami – Thư còn là câu chuyện về sự lựa chọn của con người trong cuộc đời đầy những sự kiện mà chẳng ai có thể lường đến. Ngay lúc gây ra tội ác, Tsuyoshi đã đứng trước muôn vàn chọn lựa: có tiếp tục việc trộm cắp không? Có nên ở lại lấy gói hạt dẻ rang đường, có nên ở lại xem tivi, có nên giết người? Khi vào tù lại là việc lựa chọn: gặp em trai hay là không, viết thư hay là không? Naoki phải lựa chọn cách sống làm sao với cái danh em trai của kẻ cướp của giết người: đánh đổi ước mơ, tình yêu, công việc, và cuối cùng là mối quan hệ đầy oan trái,… Và cả những người khác nữa. Không biết chọn lựa đó là đúng hay sai, có giải quyết được tận gốc vấn đề hay không nhưng con người vẫn phải không ngừng lựa chọn cách sống, lối sống, tâm thế trước trường đời.
Cuốn sách khép lại dưới hình thức mở, Higashino Keigo không nói tiếp đến cuộc đời Naoki, cũng không kể tiếp đến tương lai lúc Tsuyoshi ra tù. Chặng đường tiếp theo của hai anh em, vẫn tiếp tục là những phép thử và sai, bởi cuộc đời phía trước, còn nhiều lắm đau thương. Vì thế, với Tegami – Thư, độc giả có thể khóc khi người trong cuộc nói được lên tiếng nói từ tận đáy sâu tâm hồn họ, sau rất nhiều nghẹn ngào mà sáng tác của Keigo-sensei mang lại trước giờ.
Tegami – Thư, câu chuyện được kể từ hai điểm nhìn, hai ngôi kể: điểm nhìn của Tsuyoshi với ngôi kể thứ nhất qua những lá thư hắn gửi; điểm nhìn của Naoki với ngôi kể thứ ba qua cuộc sống anh phải trải qua sau ngày Tsuyoshi bị bắt giữ. Bởi thế, Keigo-sensei đã tạo lên được hai không gian truyện, hai tâm thế con người rất khác biệt: không gian trong tù và không gian ngoài xã hội, tâm lý tội phạm và tâm lý người nhà phạm nhân; cùng với đó là các mối quan hệ xã hội không dễ gì có thể làm ngơ, chối bỏ. Một tác phẩm, tưởng rằng nói lên những vấn đề cá nhân hết sức nhỏ nhặt, mà lại day dứt, ám ảnh lòng người mãi không thôi. Một câu chuyện, chứa đựng những khắc khoải nhân sinh mà chẳng ai có thể phân rõ đúng – sai, thiện – ác. Để rồi, trang sách cuối còn mở, mà những nghẹn ngào đã chảy thành nước mắt từ khi nào chẳng rõ.
Mọt Mọt review
***
Có vẻ cái tên Higashino Keigo không ít fan ở Việt Nam đâu nhỉ.
Trả lời câu hỏi Sự cứu rỗi của thánh nữ có hay hay không? Câu trả lời là có hay. Có vẻ Nhã Nam vẫn là nhà chọn sách tốt trong rất nhiều các tác phẩm của Keigo.
Sẽ chỉ nói về Thánh nữ chứ không so sánh nó với tác phẩm nào của Keigo.
Cà phê, lại là cà phê. Mình nhớ trong Sự thật về Bebe Donge của Simenon thì người vợ cũng đã đầu độc chồng trong ly cà phê. Sự cứu rỗi của thánh nữ cũng liên quan đến cà phê. Thế nên các quý ông quý bà thích uống cà phê cẩn thận nha, có thể bị độc chết bất cứ lúc nào.
Mashiba Yoshiaka, người chồng bị độc chết trên sàn nhà, thạch tín còn sót lại trong cốc cà phê lênh láng bên cạnh. Mọi nghi vấn được tập trung vào hai đối tượng: người vợ Ayane và cô người tình bí mật Hiromi. Vấn đề là cả hai người đều có chứng cớ ngoại phạm vững chắc. Bài toán đặt ra là làm thế nào để hạ độc Yoshitaka và đầu độc bằng cách nào? Vì trong thời điểm xảy ra vụ án không ai có khả năng tiếp cận nạn nhân.
Thật ra, trong Sự cứu rỗi của thánh nữ, hung thủ có thể thấy ngay từ đầu. Vấn đề là nguyên nhân và cách thức gây án. Một bài toán vô cùng khó và có những cái không thể ngờ tới.
Vẫn là những người phụ nữ. Nếu bạn nào ít nhiều đọc Keigo chắc hẳn sẽ rất ấn tượng với những người phụ nữ trong tác phẩm của ông. Họ thường đẹp và rất nguy hiểm. Sự cứu rỗi của thánh nữ cũng không ngoại lệ. Cô ấy đẹp, thu hút nhưng luôn treo cái chết trên đầu bạn. Thật sự rất nể người phụ nữ này luôn. Làm sao cô ấy có thể kiên trì sống và chịu đựng, chấp nhận cuộc sống với tình yêu và sự thù hận, treo cái chết lơ lửng từng ngày như vậy.
Sự cứu rỗi của thánh nữ nằm trong series “Thám tử Galileo” Yukawa. Đọc đến nửa thì vị thám tử này mới nhập cuộc nhưng vô cùng thú vị. Có lẽ bài toán càng hóc búa thì càng thu hút vị thám tử này. Mặc dù khó tin, có thể là “đáp án ảo” chỉ “có thể chỉ xảy ra về mặt lý thuyết nhưng không hề tồn tại trong hiện thực” nhưng chứng minh đáp án đó là ảo lại cho ra một kết quả hết sức kinh ngạc của một sự thật chua xót. Và tất nhiên tác giả cũng có lồng ghép một số kiến thức rất thú vị vào trong vụ án vì thám tử Galileo là giáo sư dạy vật lý ở trường đại học mà.
Cứ tưởng đâu đây là vụ án “hoàn hảo”, biết mười mươi mà không đủ bằng chứng để buộc tội gây “ức chế”, nhưng may quá, vẫn còn ánh sáng cuối đường hầm mặc dù sự thật là đau xót.
Có một câu hỏi: Đàn ông quan niệm như nào về lập gia đình? Phải chăng họ lập gia đình chỉ vì cần người sinh con? Họ không cần tình yêu? Nếu không sinh được con thì người phụ nữ chẳng qua chỉ là vật trang trí trong ngôi nhà không hơn không kém?
Tác phẩm:
***
Tsuyoshi nhằm vào ngôi nhà đó không vì lý do gì đặc biệt, chẳng qua do hắn đã biết trước phần nào tình hình nơi ấy mà thôi. Nhưng khi quyết định phạm tội, hình ảnh đầu tiên thoáng qua trong đầu hắn lại là bà Ogata với mái tóc bạc trắng chải chuốt gọn gàng cùng lối ăn mặc thanh lịch quý phái.
“Cảm ơn cậu nhé! Còn trẻ thế này mà đã đi làm. Tháo vát quá!” Bà lão vừa nói vừa chìa cho Tsuyoshi một phong bì nhỏ. Mở ra, hắn thấy bên trong là ba tờ 1000 yên. Từ ngày làm công nhân chuyển nhà đến giờ, đây là lần đầu tiên hắn được boa nhiều tới vậy.
Nhìn nét mặt đủ biết bà là người tử tế. Khi bà mỉm cười, từng nếp nhăn cũng toát lên vẻ hiền hậu. Tsuyoshi gật đầu qua quýt tỏ ý cảm ơn, đàn anh đi cùng thấy vậy liền mắng, “Này, cảm ơn cho cẩn thận đi.”
Đó là chuyện của bốn năm trước, khi Tsuyoshi vừa tròn 19 tuổi.
Từ thời Edo, phố Kiba quận Koto đã có rất nhiều hàng buôn gỗ, cái tên Kiba có lẽ cũng bắt nguồn từ đó. Trên xe tải tới nhà bà Ogata, đàn anh kể với Tsuyoshi rằng gia đình Ogata một thời cũng từng buôn gỗ. Tuy nhiên, việc kinh doanh chỉ được thời gian đầu, hiện giờ thu nhập chủ yếu của nhà Ogata lại là tiền thu về khi sử dụng chính khu đất đã từng kinh doanh gỗ ngày trước vào việc khác.
“Thế nên họ chẳng cần làm gì vẫn được ăn sung mặc sướng.” Đàn anh nói với giọng đầy thèm muốn. “Ngoài bãi đỗ xe, chắc chắn họ còn có cả chung cư và căn hộ cao cấp. Một mình bà lão làm sao tiêu hết, nên cứ mỗi tháng lại tích được một khoản. Anh con trai vừa đòi có nhà riêng là bà ấy rút ngay ra một xấp tiền lớn.”
“Nhà mới của anh con trai là bà ấy mua cho ạ?” Tsuyoshi ngạc nhiên hỏi.
“Chẳng biết nữa, nhưng chắc là vậy. Nghe nói anh ta không nối nghiệp gia đình. Nếu chỉ là người làm công ăn lương bình thường, làm sao mua nổi nhà.”
Rõ ràng đàn anh tự suy diễn, nhưng khi tới nhà Ogata, Tsuyoshi nhận ra không phải tất cả suy diễn đều là vô căn cứ. Họ ở căn biệt thự một tầng trên khoảnh đất rất rộng, pha trộn phong cách Nhật và Tây ít thấy vào thời đó. Đối diện biệt thự là bãi đỗ xe thu phí tháng cũng treo biển hiệu Ogata.
Phía Nam biệt thự là khoảnh vườn rộng đủ xây một ngôi nhà nhỏ, bên trong có một con chó to cỡ con bê đang đi đi lại lại. Bà lão nói nó thuộc giống chó núi Pyrenees. Con chó chưa nhìn thấy nhóm Tsuyoshi đã xồ lên sủa hung hãn. Chắc nó đánh hơi thấy người lạ trước cả khi người ta kịp xuất hiện.
“Ồn ào quá, con kia!” Đàn anh vừa quát vừa bọc chống sốc quanh tủ. Tuy đã bị nhốt vào chuồng nhưng con chó vẫn sủa liên hồi suốt thời gian họ làm việc. Một đàn anh khác bảo, “Cũng nhờ có nó mà bà lão sẽ an tâm hơn khi sống một mình. Chắc bình thường không xích lại đâu. Tên trộm nào dám trèo tường vào nhà, nó sẽ nhào ra cắn ngay.”
Công việc lần này là chuyển đồ cho gia đình người con trai cả ra ở riêng. Con trai bà cụ là một tên gầy gò ngoài bốn mươi tuổi, lầm lì ít nói, hoàn toàn thờ ơ với việc chuyển nhà. Trong khi đó chị vợ mập mạp lại hồ hởi ra mặt, đầu óc chỉ chăm chăm hướng về ngôi nhà mới chứ chẳng buồn bận tâm đến ngôi nhà mà họ sắp rời đi.
Đàn anh lại bắt đầu suy diễn đủ điều, “Người chồng tính tình nhu nhược, bị vợ dắt mũi nên mới buộc phải chuyển đi. Thông thường cứ xây sửa lại nhà cũ là xong, nhưng như vậy bà lão sẽ tiếp tục sống chung với họ. Chắc hẳn người đứng tên ngôi nhà này cũng là bà lão, gia đình người con trai khác nào ăn nhờ ở đậu. Chị con dâu mập ú chẳng vui vẻ gì chuyện này nên mới bắt anh chồng phải mua nhà riêng. Cậu nhìn mà xem, vẻ mặt chị ta cứ như thể ‘từ nay thoát cũi sổ lồng’ vậy.” Đàn anh vừa nói vừa nhếch mép cười.
Sau khi chất hết hành lý lên xe, nhóm Tsuyoshi tới chào bà lão. Bà không đi cùng sang nhà mới để giám sát việc dỡ đồ. Bà cổ vũ riêng Tsuyoshi, “Cố gắng lên nhé.” Chắc vì thấy hắn trẻ người nhất và cũng non dạ nhất. “Vâng!” Tsuyoshi khẽ gật đầu.
Khoảng một năm sau, gần nhà Ogata lại có người muốn chuyển nhà. Buổi trưa, sau khi ăn xong cơm hộp mua ở cửa hàng tiện lợi gần đó, Tsuyoshi đi bộ tới nhà Ogata. Bức tường đá oai nghiêm không khác gì một năm trước. Nhưng khi bước lại gần cổng, tự nhiên hắn thấy khang khác mà chính hắn cũng không hiểu tại sao. Cho tới khi tiến về phía vườn, hắn mới nhận ra không còn tiếng sủa của con chó to ngày nọ nữa.
Hắn đứng cạnh tường đá thử dòm vào trong vườn. Cái chuồng vẫn ở đó nhưng không thấy bóng dáng con chó đâu. Hắn chắc mẩm nó chỉ đang đi dạo loanh quanh cùng bà lão thôi. Bỗng hắn nhận ra ngay cạnh chuồng dựng một thanh gỗ dài, bên trên treo vòng cổ màu xanh. Tsuyoshi nhớ đó là vòng cổ của con Pyrenees.
Tsuyoshi thầm nghĩ, hẳn bà lão phải rất cô đơn khi con trai rời khỏi nhà và con chó yêu quý cũng ra đi. Đây là điều duy nhất thoáng qua trong đầu hắn tại giây phút đó. Chỉ là những suy nghĩ tản mạn, chứ hắn tuyệt nhiên không có ý hãm hại bà lão giàu có sống một mình. Thậm chí suốt ba năm tiếp theo, hắn cũng chưa một lần nhớ về bà. Có lẽ nếu không lâm vào cảnh cùng cực như hiện giờ, suốt đời này hắn cũng chẳng nhớ tới bà nữa.
Hắn tiến lại gần. Biệt thự với kiến trúc kết hợp hài hòa hai phong cách Đông-Tây nằm lặng lẽ giữa tường bao bằng đá. Gió mùa này bắt đầu se lạnh. Chỉ tầm một tháng nữa thôi, người ta sẽ phải co rúm vai lại cho bớt khó chịu khi đi trên đường. Tiếp đến sẽ là tháng Chạp, rồi tháng Giêng.
Đến lúc ấy đường phố chắc chắn sẽ rất đông đúc, người người qua lại tấp nập. Vì có công việc nên họ mới chạy đây chạy đó. Vì có tiền nên họ mới hào hứng phấn khởi.
Còn mình không có cả hai.
Hắn không cần tiền mua bánh Giáng sinh hay mochi cho năm mới. Thứ mà Tsuyoshi muốn là khoản tiền đủ làm yên lòng Naoki, để thằng bé khỏi phải trăn trở về việc thi đại học nữa.
Tsuyoshi bắt đầu mơ mộng hão huyền. Nếu có số tiền này trong tay, đầu tiên hắn sẽ đem gửi ngân hàng rồi cho Naoki xem sổ, “Thế nào, dù không kể với em nhưng anh đã tiết kiệm được bao nhiêu đây. Với chỗ tiền này anh cóc sợ phí dự thi hay phí nhập học nữa, em không việc gì phải lo lắng cả.”
Tsuyoshi biết Naoki đang dần mất niềm tin vào việc thi lên đại học. Hắn cũng biết thằng bé bí mật đi làm thêm. Thằng bé sợ anh giận nên chưa dám nói, nhưng đã bắt đầu âm thầm tìm hiểu các công ty.
Hắn biết nếu không mau mau nghĩ cách thì không kịp mất, nhưng hiện giờ, hắn không những không có tiền để gửi tiết kiệm, mà còn mất luôn cả cần câu cơm.
Hắn nghỉ việc ở công ty chuyển nhà đã hai tháng nay. Nguyên nhân trực tiếp là bởi đau hông và đầu gối. Vốn dĩ hắn cũng không phải nhân viên chính thức nên không thể xin điều chuyển sang bộ phận khác. Ngoài ra, hắn còn làm nhân viên chuyển đồ nội thất, nhưng hợp đồng với bên đó cũng chấm dứt rồi.
Hân là kẻ vụng về và có trí nhớ kém. Điều duy nhất hắn tự tin về bản thân là thể lực nên mới chọn những công việc kiểu này làm kế sinh nhai, rốt cuộc lại hủy hoại chính sức khỏe mình. Không có thể trạng tốt thì chẳng nơi nào chịu thuê. Cho đến tuần trước hắn vẫn còn đi giao đồ ăn, chẳng may đang giao hàng thì hông đau dữ dội, thùng đồ ăn rơi tung tóe, nên lại bị sa thải. Muốn đi làm ở công trường, e rằng sức không chịu nổi. Suy tính chán chê, hắn vẫn không tìm ra lối thoát nào.
Người ta nói hiện giờ cả thế giới đều khó khăn, Tsuyoshi lại thấy ngoài hắn ra hình như ai cũng giàu có. Dạo này mấy cửa hàng giá rẻ rất được ưa chuộng, nhưng giá có rẻ hay không cũng chỉ quan trọng với người có khả năng mua được. Hắn cho rằng thực phẩm lành mạnh trở nên thịnh hành như vậy đều do người ta sống quá dư dả. Giá như họ chia cho hắn một phần nhỏ của sự dư dả đó thì tốt biết bao.
Hắn không cổ xúy người nghèo nên đi ăn trộm, nhưng giờ hắn không nghĩ ra được cách nào khác. Dù có than thở hay cầu nguyện, tiền cũng không thể tự nhiên mà có, xem ra hắn chỉ còn cách tự thân vận động mà thôi.
Trong đầu hắn hiện lên khuôn mặt hiền hậu của bà Ogata. Bà lão tiền nhiều vô kể, lấy trộm một ít cũng chẳng phải chuyện gì nghiêm trọng. Nếu biết kẻ trộm là một người khốn khổ như hắn, có khi bà lại tha thứ cũng nên. Nhưng tốt nhất vẫn không nên để bà phát hiện ra.
Tsuyoshi đảo mắt nhìn quanh. Cả khu phố gồm toàn nhà dân xen lẫn vài công xưởng nhỏ, hầu như không có cửa hàng. Chắc vì vậy mới không thấy bóng dáng ai đi lại trên đường. Ngay bên cạnh có vài chung cư, nhưng cổng chính đều dẫn thẳng ra đường lớn nên cư dân ở đó rất ít khi bén mảng ra con phố phía sau.
Cái bóng nhỏ thó của hắn đổ trên mặt đường nhựa. Hắn không rõ thời gian chính xác, chắc khoảng 3 giờ chiều gì đấy. Mười phút trước, hắn có xem giờ lúc vào cửa hàng tiện lợi. Hắn vào để mua găng tay. Trước khi tới đây, hắn đã quên khuấy mất chuyện sẽ để lại dấu vân tay.
Hắn biết hiện giờ nhà Ogata đi vắng hết. Ban nãy hắn đã thử gọi bằng điện thoại công cộng ở bên ngoài cửa hàng tiện lợi. Hắn lấy số từ biển hiệu của bãi đỗ xe đối diện nhà Ogata. Điện thoại có kết nối, nhưng âm thanh vang lên lại là tiếng hệ thống trả lời tự động.
Tsuyoshi từ từ tiếp cận cổng nhà Ogata. Tất nhiên hắn cũng do dự. Chỉ trong vài giây ngắn ngủi trước khi đến được cổng, hắn tự hỏi tự đáp không biết bao lần. “Làm thế này có ổn thật không? Đương nhiên là không. Nhưng đâu còn cách nào khác. Đằng nào cũng chỉ có thể ăn trộm, thôi thì đi trộm của người giàu vậy. Nếu bị bắt thì phải làm sao? Không, không có chuyện bị bắt đâu. Trong ngôi nhà này chỉ có bà lão sống một mình, chẳng may bị phát hiện thì cứ chạy trốn là xong. Không thể nào bị tóm được.”
Mời các bạn đón đọc THƯ của tác giả Higashino Keigo.