Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Ba Ngày Và Một Đời

Bạn chờ đợi gì ở tác phẩm tiếp theo của một nhà văn vừa giành Giải Goncourt danh giá nhất nước Pháp? Nhất là khi giải thưởng ấy đã được trao cho tác phẩm không-trinh-thám đầu tiên của nhà văn chuyên viết trinh thám?

Với Ba ngày và một đời, Pierre Lemaitre đã có một lời đáp thật khéo léo cho những trông đợi ấy. Ba năm sau giải Goncourt, Lemaitre trở về với sở trường trinh thám, nhưng là kiểu trinh thám rất khác với những gì ông viết trước đây. Một cốt truyện có thể tóm tắt được chỉ trong một câu nhưng chứa đựng câu chuyện của cả một đời người, và cả xã hội đương thời. Chậm rãi, u uẩn và đầy triết lý.

Bởi vậy, hãy quên hào quang của Hẹn gặp lại trên kia đi, hãy nhắm mắt lại và để Pierre Lemaitre dẫn bạn khám phá những ngóc ngách sâu kín trong đầu óc của một "kẻ sát nhân mười hai tuổi"!

***

Ba ngày bi kịch quyết định cái chết của một đứa trẻ và sự sống sót của một đứa trẻ khác. Một đời che dấu, dối trá, ác mộng và cảm giác tội lỗi, đắn đo giữa việc tới gõ cửa sở cảnh sát hay cứ lặng lẽ mà sống tiếp.

***

Ba ngày và một đời là tiểu thuyết trinh thám đánh dấu sự trở lại của nhà văn nổi tiếng nước Pháp Pierre Lemaitre.

Sau thành công vang dội năm 2013 với giải thưởng Goncourt – giải thưởng văn chương danh giá nhất nước Pháp, Pierre Lemaitre đánh dấu sự trở lại cùng Ba ngày và một đời. Vẫn khai thác đề tài trinh thám quen thuộc, song tác phẩm này mang những đặc điểm rất khác so với những gì ông từng viết trước đây.

Chậm rãi, u uẩn và đầy triết lý, một cốt truyện có thể tóm tắt được chỉ trong một câu nhưng chứa đựng câu chuyện của cả một đời người, và cả xã hội đương thời. Không hoàn toàn giống với Alex, ở Ba ngày và một đời, Pierre Lemaitre đã phá vỡ hoàn toàn lối viết trinh thám thông thường, khiến độc giả đôi khi tự hỏi: Liệu đây có phải một tiểu thuyết trinh thám?

Câu chuyện bắt đầu từ một sự việc vặt vãnh trong một làng nhỏ hẻo lánh, kéo cậu nhóc Antoine 12 tuổi vào một cơn kích động không kiềm chế được, rồi dẫn tới án mạng. Bị tấn thảm kịch cuốn đi, Antoine mang theo mình bí mật khủng khiếp, một gánh nặng quá tầm đối với một cậu thiếu niên.

Bắt đầu từ đây, Pierre Lemaitre dẫn độc giả tiến vào sâu hơn con đường rối rắm trong đầu óc một cậu nhóc 12 tuổi, để ta sống cùng cảm giác tội lỗi của cậu, trải qua cùng cậu từng phút hoảng loạn, từng giây ám ảnh.

Cũng như nhân vật Raskolnikov của Dostoievski, Antoine luôn dằn vặt về tội ác mình đã gây ra và trong lòng luôn thường trực nỗi băn khoăn: thú tội hay trốn chạy. Ở những trang đầu, ta như được chứng kiến phiên bản hiện đại của Tội ác và trừng phạt. Nhưng với bàn tay lão luyện của người đã có mười năm viết trinh thám, Pierre Lemaitre cuốn người đọc vào những nút thắt mở liên tục, thôi thúc ta đọc tiếp, không một phút ngơi nghỉ.

Phần sau cuốn sách đặt người đọc vào một quãng thời gian sau đó, khi Antoine đã lớn hơn. Ta gặp lại tất cả những người chủ chốt liên quan đến vụ án năm xưa trong một cuộc đời mới. Sự pha trộn những sự vụ trong quá khứ với những hệ quả hiện hữu ở hiện tại khiến cuộc sống của Antoine có thêm những góc độ mới. Những gì còn lại từ quá khứ đóng vai trò quan trọng trong từng quyết định cũng như trong số phận sau này của nhân vật chính.

Và những tiết lộ cuối cùng mà Pierre Lemaitre mang lại cho độc giả thật sự ngoài sức tưởng tượng. Bất ngờ, hợp lý và đáng suy ngẫm. Một cuốn sách không dồn dập, mau lẹ với những tình huống cấp tập, mà sâu sắc và đầy ẩn ý.

Bởi vậy, hãy quên hào quang của Hẹn gặp lại trên kia đi, hãy nhắm mắt lại và để Pierre Lemaitre dẫn bạn khám phá những ngóc ngách sâu kín trong đầu óc của một “kẻ sát nhân mười hai tuổi” trong Ba ngày và một đời!

Theo Bookaholic.vn

***

Ba ngày và một đời có thể được tóm gọn trong một câu thế này: Câu chuyện diễn ra trong ba ngày và gây ám ảnh cả một cuộc đời.

Ngày thứ nhất, cậu bé ấy giết người.

Ngày thứ hai, cậu ta cùng gia đình nạn nhân đi tìm hung thủ.

Ngày thứ ba, một cơn bão đã cuốn phăng tất cả mọi thứ, chôn vùi luôn cả bí mật mà cậu muốn che giấu suốt cuộc đời mình. Hung thủ được nêu đích danh ngay ở những chương đầu tiên, thậm chí phần giới thiệu ở bìa truyện phía sau quyển sách còn tiết lộ rằng kẻ sát nhân mới chỉ mười hai tuổi.

Xuyên suốt quyển truyện không hề có những tình tiết phá án đuổi bắt hồi hộp, cũng không có quá trình điều tra bộ mặt thật của hung thủ. Tất cả chỉ là vụ giết người bí ẩn được đăng trên các phương tiện truyền thông nhưng lạ lùng thay, không có bất kỳ vết tích cụ thể nào được khẳng định.

Ba ngày và một đời thể hiện đúng thứ tinh thần cần có của một quyển trinh thám xã hội, nặng về yếu tố tâm lý và khai thác những góc cạnh tối tăm trong suy nghĩ của nhân vật. Tớ nghĩ về mặt này Pierre Lemaitre đã làm rất tốt, đặc biệt ở những phân đoạn đấu tranh nội tâm của hung thủ.

Ba ngày và một đời đề cập một phần về xã hội Pháp, lấy một nhóm nhỏ để đại diện cho xã hội đương thời, tuy có hơi chủ quan vì không xét trên tổng thể rộng lớn, nhưng nhóm người mà ông khắc hoạ cũng đã đủ để tạo thành một xã hội thu nhỏ, nơi mà mỗi cá thể bị trói chặt lại bằng định kiến và ánh nhìn của người khác. Khi ta huỷ hoại cuộc sống của một ai đó, khi ai đó huỷ hoại cuộc sống của ta, ánh nhìn của xã hội đóng vai trò gì. Xã hội và cá thể không thể tách rời nhau, một cá thể có thể tác động lên xã hội và ngược lại, cả xã hội có tác động vô cùng to lớn đối với một cá nhân nhỏ bé.

Câu hỏi mà hung thủ tự đặt cho chính mình cứ khiến tớ nghĩ hoài: Chấp nhận đầu thú, hay là chịu hình phạt trong tình trạng hoàn toàn tự do với cái giá phải trả là toàn bộ cuộc đời mình. Hẳn là không ai muốn đầu thú rồi, nhưng đầu thú rồi chấm dứt nỗi đau đó hay là sống với sự ân hận và niềm day dứt cho tới phút cuối cùng của cuộc đời, quả không dễ trả lời.

Điểm duy nhất khiến tớ chưa hoàn toàn đánh giá cuốn này 4 sao là vì tác giả cho người đọc biết khá sớm về hung thủ, điều đó giống như một con dao hai lưỡi, nó vừa có thể khiến câu chuyện bớt đi một phần lôi cuốn vì người đọc đã biết trước, lại cũng có thể khiến câu chuyện trở nên hồi hộp và bí ẩn vì người đọc hẳn sẽ tò mò đến cuối cùng thì hung thủ sẽ bị vạch trần thế nào.

Dẫu sao tớ cũng thích những quyển trinh thám đấu trí cân não, nhưng quyển này là trinh thám xã hội nên tạm thời gác lại vấn đề này. Thường thì trinh thám xã hội sẽ đưa ra câu trả lời Hung thủ là ai, rồi mới dẫn dắt người đọc đi tìm Hung thủ đã làm chuyện đó như thế nào. Có điều khoảng cách giữa “Là ai” và “Làm như thế nào” trong quyển này hơi ngắn. Ừm tớ chỉ nhận xét có vậy thôi. Dẫu sao trinh thám của Pierre Lemaitre cũng đáng để đọc thử mà.

Đại khái thì nếu cậu tò mò thì hãy cứ đọc đi, mình đâu biết được mình thích một quyển sách cho đến khi cầm lên và đọc nó. Truyện này có thể không quá xuất sắc đối với những ai là fan cứng của thể loại trinh thám, còn đối với một đứa coi trọng yếu tố tinh thần của truyện như tớ thì nó đọc ổn.

***

Thật là khó định danh thể loại cho tác phẩm này, bảo nó là trinh thám thì chắc chắn không phải rồi. Vậy thì cứ gọi nó là một cuốn tiểu thuyết tâm lý – tội ác đi.

Cậu bé Antoine, vì gặp nhiều ức chế nội tâm không thể xả bỏ, đã vô tình đánh chết Rémi, đứa bé 6 tuổi con nhà hàng xóm. Quá sợ hãi, cậu đã giấu xác Rémi xuống cái hố sâu trong rừng và tình cờ làm sao, khi người ta đang ráo riết tìm kiếm Rémi thì một cơn bão xuất hiện. Cơn bão khủng khiếp đó đã phá tan thị trấn nhỏ, thậm chí thổi rạp cả khu rừng tội ác. Người ta bận rộn tái thiết thị trấn, tu sửa thiệt hại, hầu như không còn ai muốn quan tâm đến số phận Rémi nữa, Antoine thoát hiểm một cách ngoạn mục…

Thật ra, từ đầu đến cuối, Antoine luôn thoát hiểm, dù cho đó là lúc cậu lỡ tay đánh chết người, hay mười mấy năm sau, khi cậu đã trở thành bác sĩ của thị trấn, xác Rémi được tìm thấy, thì cậu vẫn lọt lưới. Nhưng cái giá để trả cho sự trong sạch giả tạo ấy quả thực không nhỏ nếu không muốn nói là cậu sẽ phải gánh nó trên vai, mãn kiếp. Một án chung thân của tòa lương tâm đại hình đã lặng lẽ tuyên ngay từ khi câu vung gậy…

Cuốn sách này vừa mỏng vừa nhẹ, đã thế lại đầy chi tiết thừa thãi, thậm chí có chỗ còn thiếu logic, mạch văn ỡm ờ chậm không ra chậm nhanh không ra nhanh, ít ra cũng phải đến 1/3 nội dung có thể cắt bỏ mà không làm ảnh hưởng gì đến kết cấu truyện. Nhưng cái kết thì đặc biệt xuất sắc, chỉ vài trang cuối truyện đã làm cho giá trị cuốn sách tăng vọt, với tôi nó gần giống như một cú shock vậy. Và sau cái kết, có lẽ hiệu ứng đi kèm với nó là cảm giác thỏa mãn nhẹ nhàng.

Thoát được tội ác do mình gây ra không đồng nghĩa với việc thoát được nỗi bất hạnh mà mình phải gánh chịu. Có lẽ, chỉ là có lẽ, ở một góc heo hút nào đó của nước Pháp, Antoine vẫn đang tự sám hối lỗi lầm.

Trần Hùng

***


Đọc Pierre Lemaitre nên xác định luôn rằng với nhà văn này, không có ranh giới định dạng thể loại trinh thám, tâm lý hay xã hội… tôi không thích việc nhất định phải định danh các tác phẩm của Pierre Lemaitre vào thể loại văn học gì (nếu nó là trinh thám thì phải như này như kia, nếu nó là xã hội thì phải thế này thế khác…), bởi ở Hẹn gặp lại trên kia là tác phẩm không trinh thám đầu tiên của tác giả thì nó cũng có yếu tố trinh thám, rượt đuổi, điều tra thông tin; ở Alex, Ba ngày và một đời dù được định danh là tiểu thuyết trinh thám song là kiểu trinh thám không cần thiết phải rõ nét vai trò của thám tử cảnh sát điều tra. Pierre Lemaitre thích các “bài thực hành ngưỡng mộ văn chương”, các câu văn, ý tứ có sự vay mượn của các tác giả mà ông ngưỡng mộ, tiếc rằng ở đối tượng người đọc trâu cũng như bò như tôi, thì chỉ nhận ra “bài thực hành ngưỡng mộ văn chương” của tác giả ở tiểu thuyết giành giải Goncourt Hẹn gặp lại trên kia.

Chúng ta có trinh thám vừa đọc vừa suy đoán hung thủ hoặc vừa đọc vừa khớp tất cả mảnh ghép để hoàn thành bức tranh; trinh thám biết ngay hung thủ và sự thật từ đầu; trinh thám để mở, mỗi người đọc có một đáp án… Ba ngày và một đời là kiểu trinh thám có thể biết ngay hung thủ là ai từ khi chưa mở sách, chỉ cần tinh ý đọc text bìa cũng lờ mờ đoán ra thủ phạm, hoặc chỉ sau 20-30 trang đầu đã rõ mười mươi hung thủ. Thế thì tại sao còn đọc làm gì.

Cái này là gout đọc, tôi đọc trinh thám không nhiều, lại thích trinh thám chậm, thiên về tâm lý nhân vật, các chi tiết rất nhỏ lẻ và thực ra không thích quy mô vụ án nhiều xác chết. Vụ án chỉ tầm ở mức tìm thấy một chiếc chìa khóa lạ của người đã khuất và muốn tìm hiểu chiếc khóa này mở cái gì thì với tôi cũng đáng đọc, miễn sao, quá trình điều tra thu thập xử lý thông tin được tác giả chú trọng vào các chi tiết rất nhỏ nhưng kỹ thuật quăng thả phải thật khéo, tâm lý nhân vật phải nhiều suy tư móc nối nhạy cảm, và cuối cùng, rất quan trọng, đã là văn học thì thể loại nào cũng vậy, phải nhiều tính văn chương (nhưng đừng sến quá).

Ba ngày và một đời kể một câu chuyện rất đơn giản, cậu bé 12 tuổi Antoine với nhiều vấn đề bị dồn nén không giải quyết được đã lỡ tay dùng gậy phang vào đầu (chỗ hiểm) của cậu bé 6 tuổi Rémi và Antoine trở thành hung thủ gây ra án mạng. Trong 2-3 ngày người ta cho rằng Rémi bị mất tích và tổ chức tìm kiếm nhưng không có kết quả, Antoine lọt lưới. Trong thời gian sau đó, một cơn bão kéo theo mưa giông quét qua thị trấn, tất cả mọi vật, việc trôi bồng bềnh, đảo lộn trật tự vị trí, người ta cũng không thấy dấu vết của Rémi, Antoine cũng lọt lưới. 12 năm sau, xác của Rémi được tìm thấy nhưng Antoine vẫn thoát tội.

Nếu chỉ nghe kể như vậy, thấy bất công không?

Trong một tập truyện ngắn của Karel Capek tôi đọc gần đây, tôi rất ấn tượng ở một vài truyện ngắn bởi ý tứ của nó, rằng, con người thích hợp và phải chịu thứ công lý của chính xã hội loài người, không phải Thượng Đế hay bất cứ đấng nào phán xét, mà chính là những gì thuộc về xã hội loài người, mà ở Ba ngày và một đời, chính là sự cắn rứt lương tâm của hung thủ. Cậu bé 12 tuổi đồng nhất sự nặng nề của cuộc sống với nỗi cô đơn, sự sợ hãi của cậu, từ đấy cậu có cái nhìn bi quan với cuộc đời dù rất cố gắng sống tốt đẹp hơn mỗi ngày. Sự thật dường như được che đậy để không một ai biết, nhưng, những biểu hiện rất nhỏ của mọi người cũng khiến Antoine bị giày vò, muốn chạy trốn, chối bỏ vùng đất với ký ức buồn thảm. Công lý là trừng phạt sẽ hoàn toàn không có giá trị nếu như người phạm tội không sám hối. Sám hối là sự dừng lại, không tái diễn và ăn năn về hành vi đã gây ra. Hung thủ ở Ba ngày và một đời trở thành trung tâm của nỗi bất hạnh, một nỗi buồn thảm thuần khiết đã được dành cho Antoine ngay từ tuổi ấu thơ. Để rồi phải trả giá bằng việc sống không thôi lo sợ dằn vặt, lấy một người phụ nữ mình không yêu, là bố của đứa con ngoài mong muốn… như vậy, Antoine đã tự kết án chính mình.

Hơn 240 trang sách, hung thủ biết ngay từ đầu nhưng tôi vẫn đọc, để cùng đi qua hành trình nhiều năm dài cô đơn u uẩn của Antoine, người đọc cũng có cùng tâm trạng như Antoine rằng, lúc này đây, sự việc cậu bé Rémi chỉ cần có người hỏi cặn kẽ thì lập tức sẽ nhận tội luôn, để mong chấm dứt sự khổ sở trong lòng, được giải thoát khỏi nỗi sợ hãi, ăn năn.

Trong ba quyển của Pierre Lemaitre xuất hiện ở VN thì Ba ngày và một đời là quyển có lẽ mờ nhạt, lỏng lẻo nhất; đầu tiên ở văn chương rời rạc, nhiều đoạn được viết gượng ép ngô nghê như một cây bút non tay, việc này gây thất vọng không nhỏ cho người đọc thích Pierre Lemaitre (như tôi, có lẽ khoảng viết về trận bão và mấy chục trang đoạn cuối là tôi thấy đúng chất Pierre Lemaitre); thứ nữa về nội dung nhàm chán, ề a, tiết tấu nhanh không ra nhanh, chậm rãi xoáy vào tâm lý tạo độ sâu cũng không, nó rất không phù hợp với độc giả quen đọc trinh thám cướp giết hiếp nhiều án mạng và hành động, thậm chí chắc chắn sẽ có người chê đây là một quyển trinh thám nhiều lỗi, phi lô gíc, gượng gạo. Nhưng tôi lại đặc biệt thích cái kết của nó, một cái kết như nhét kẻ trụy lạc vào đời sống khổ hạnh vậy, trừng phạt, trả giá, kỷ luật đôi khi chỉ cần mang hình bóng như cái kết này thôi đã là một hình thức chịu án khổ hình rồi vì không gì bằng toà án lương tâm. Với một số trường hợp người ta sống tốt hơn hay tu tập, không phải bởi tính bản thiện mà chỉ bởi có thể sống như vậy người ta mới cảm thấy được thanh thản, đẩy lùi được phần tối trong họ. Cái kết diễn ra nhanh và đột ngột trong 1-2 trang cuối, nó tạo một cú chuyển bất ngờ, một cảm giác lâu lắm rồi tôi mới có lại kể từ thời đọc Nghe mùi kết thúc của Julian Barnes cách đây 4 năm, nó gây nên chút chao đảo và ngay sau đó, cho tôi cảm giác dễ chịu như vòng tròn đã khép lại, ta quay trở về điểm xuất phát ban đầu.

“Hình phạt mà anh phải chịu, vì tội ác anh từng phạm phải, không được hình thành từ những năm tháng ngồi tù, mà từ cả một cuộc đời anh đã kinh tởm từ trước, nó là tất cả những gì anh ghét cay ghét đắng, phải gần gũi những con người tầm thường, phải làm cái nghề mà anh yêu thích trong một hoàn cảnh mà anh căm thù.
Hình phạt dành cho anh là như thế đó: chịu hình phạt trong tình trạng hoàn toàn tự do với cái giá phải trả là toàn bộ cuộc đời mình”.

Bất kỳ điều gì bắt đầu, đều khởi sự một kết cục. Ta đã kích hoạt một kết thúc bắt đầu vận hành, như bật một công tắc. Và dù cơn bão nào có quét qua, thì tất cả rồi sẽ được thiết lập lại theo trật tự và cách riêng của nó.

EMi Delicate

Mời các bạn đón đọc Ba Ngày Và Một Đời của tác giả Pierre Lemaitre & Phúc Chi Nhi (dịch).