Trong Lời cuối sách của bản tiếng Pháp, François Ricard đề nghị coi kết cấu của bảy truyện trong Những mối tình nực cười là kết cấu đối xứng, trong đó sáu truyện ngắn đối xứng nhau qua tâm điểm truyện thứ tư, thành những đường tròn đồng tâm, những cặp tương ứng 1-7 (Sẽ không ai cười và Edouard và Chúa), 2-6 (Quả táo vàng của ham muốn vĩnh cửu và Bác sĩ Havel hai mươi năm sau), 3-5 (Trò chơi xin quá giang và Người chết cũ phải nhường chỗ cho người chết mới) ; các cặp đó tương đồng cả về hình thức (độ ngắn dài) lẫn các ý tưởng, chủ đề. Đứng ở vị trí trung tâm, Cuộc hội thảo dĩ nhiên có tầm vai trọng đặc biệt và khác với sáu truyện còn lại.
Xét về dung lượng, Cuộc hội thảo có độ dài lớn nhất, đó cũng là truyện duy nhất có kết cấu theo lối kịch 5 màn. Đó là một khảo sát đầy tính châm biếm về tình thế của Don Juan trong thế giới hiện đại, cái chết của một biểu tượng “cao quý” ; trong thế giới hiện đại Don Juan không còn đất sống, bị rút gọn thành một hình ảnh hài hước và mơ hồ đến thảm hại, từ chỗ Nhà Chinh Phục trở thành Nhà Sưu Tập. Khái niệm tự do cũng được Kundera khai thác, một tự do khác với cách hiểu của Sartre, không phải là điều kiện sẵn có, bị áp đặt từ bên ngoài, mà là một chút không gian để cựa quậy theo ý mình, cái sẽ dần dà bị thu hẹp đến mức khó thở.
Nhưng quan trọng hơn cả là Cuộc hội thảo trình bày một suy tư về thân phận con người, về những sự thật nhiều mặt của con người, trong đó nhìn từ khía cạnh nào những sự thật đó cũng đúng đắn, và cùng lúc cũng sai lầm, mất giá một cách trầm trọng.
***
Mời các bạn đón đọc Cuộc Hội Thảo của tác giả Milan Kundera.