Tập truyện ngắn đưa ta trở về dòng sông tuổi thơ nhiều nhiều khó nhọc nhưng thấm đẫm tình người ở một làng quê vùng Nam Bộ.
Trên dòng sông ấy có nhiều xuồng ghe từ các nơi đổ về. Những người đàn ông, đàn bà nghèo khổ đến đây gặt thuê, bắt cá và làm nhiều việc khác để sinh nhai. Ghe nào cũng chở theo những đứa trẻ. Chúng bị những đứa trẻ trên bờ ghét bỏ, xa lánh, thậm chí bị cấm không cho lên đó chơi.
Truyên nào trong tập sách cũng khiến đọc giả rưng rưng xúc động. Đó là câu chuyện kể về người mẹ cõng đứa con tật nguyền mười hai tuổi mới xin được vào học lớp một. Mỗi ngày đi học phải qua cánh đồng lau sậy. Bờ ruộng trơn trượt khi trời mưa, người mẹ phải gồng mình bấm hai ngón chân cái xuống đất để khỏi ngã. Đó là nỗi day dứt của đứa em chỉ vì muốn lấy lòng mẹ để được mặc thử bộ đồ tết mà nhẫn tâm làm khổ cả cuộc đời người chị.
Tác giả cho biết những câu chuyện kể ra trong cuốn sách chủ yếu đều là ký ức về tuổi thơ của anh và bạn bè thuở cắp sách tới trường làng. Con sông êm đềm, cánh đồng lúa vàng rực rỡ, những trò chơi trận giả, buổi chiều ngóng gánh hát về quê… là những hình ảnh đẹp về quê hương, những kỷ niêm ai lớn lên ở nông thôn cũng có một thời như thế. Bởi thế, bạn sẽ tìm thấy mình đâu đó khi đọc tập truyện này.
Bằng giọng văn mộc mạc, giản dị Chiếc lồng đèn của má như một món ăn tinh thần dành cho các bạn tuổi mười bốn, mười lăm. Đọc cuốn sách này để hiểu hơn về tuổi thơ bố mẹ ta, yêu hơn những vùng đất trên quê hương mình.
Tác giả cuốn sách là họa sĩ Khởi Huỳnh. Ngoài chuyên môn chính ra anh còn viết thơ, đóng phim, diễn kịch, viết văn, dạy vẽ.
***
Năm mười hai tuổi, lần thứ ba má xin cho tôi vào học lớp một. Má nói so với mấy đứa bằng tuổi trong xóm thì tôi đã trễ đến năm năm. Nghĩ vậy nên má khuyên tôi nếu được nhận vào thì phải ráng học cho thiệt giỏi, kẻo người ta coi không ra gì.
Vả lại, con người ta “khi mất cái này thì phải cố gắng đạt được cái khác để bù lại”. Tôi chẳng hiểu ý má nói gì, cứ tưởng là má nói mất đồ nên tôi vội kiểm tra lại tập vở và tiền má cho thì vẫn còn y nguyên, tôi khoe với má. Má xoa đầu tôi rồi cười ý nhị. Nói nào ngay(1), lúc đó tôi cũng không để ý đến chuyện mất còn gì đó mà má vừa nói. Cái tôi lo nhất là năm nay biết có được nhận vào lớp một không (vì đã hai lần trước đều bị từ chối) nên trong lòng tôi lúc nào cũng phập phồng lo sợ.
Trước ngày khai giảng, đêm nào tôi cũng lấy đồ đi học của thằng em mặc vào, rộng thùng thình, tay cầm mấy quyển tập cứ đi tới đi lui, gặp ai cũng thưa đi học, rồi ra trước sân đi một vòng lại trở vô thưa đi học mới về (những động tác này là tôi học được từ đứa em, khi tôi mới xuất viện). Trong nhà ai cũng ôm bụng cười ngất. Riêng mỗi mình má tôi là không cười, má nhìn về một hướng nào đó xa xăm, đôi mắt buồn hiu.
Rồi ngày khai giảng đã đến. Đêm đó má bảo tôi ngủ sớm để ngày mai đi học. Tôi ngoan ngoãn nghe lời má lên giường nằm nhưng không tài nào ngủ được, cứ lăn qua lộn lại, trong lòng thì mừng lo lẫn lộn. Má thì ngồi cặm cụi dưới ngọn đèn dầu lo chuẩn bị cho tôi, nào là tập vở, nào là thước kẻ, bút chì rồi lấy chiếc áo của đứa em đã mặc chật sửa lại cho tôi. Má đi nhóm lửa đốt than ủi lại cho thẳng thớm treo lên vách, má đứng ngắm hoài như thể tôi đang mặc vậy.
Nhà tôi cách trường xã chừng năm cây số, cái khó là phải băng qua hai cánh đồng đầy lau sậy, mùa mưa trơn trợt rất khó đi nên lúc màn trời còn một màu đen kịt thì má đã gọi tôi thức dậy. Tất cả má đã chuẩn bị từ đêm hôm, má chỉ tôi chỗ treo bộ đồ rồi nói khi nào mặc xong lại đây má biểu.
Tôi rất hồi hộp không biết có chuyện gì. Đoạn tôi vừa đi đến thì má cũng vừa mở tủ lấy ra một cái chai chừng bằng ngón tay út có nước màu vàng nhạt, bên trong có một cọng dây bằng mủ màu trắng dính liền với cái nút đậy. Má lấy ra rẩy rẩy, quét quét lên đầu tôi. Mùi thơm nhanh chóng tỏa ra rất dễ chịu.
Tôi cứ lấy tay quẹt lên đầu rồi đưa xuống mũi ngửi hoài. Má biết tôi thích nên ra điều kiện: nếu con đi học được điểm mười thì hôm nào má cũng xức dầu thơm cho. Tôi hí hửng dạ thiệt lớn rồi chạy quanh nhà một vòng với bước chân khập khiễng. Má lại có vẻ buồn.
…
Mời các bạn đón đọc Chiếc Lồng Đèn Của Má của tác giả Khởi Huỳnh.