“Cuộc Cách Mạng Một - Cọng - Rơm” là cuốn sách nổi tiếng của Mansanobu Fukuoka, người khai sinh nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới. Cuốn sách (đã được dịch ra 25 thứ tiếng) không chỉ là sự trải nghiệm về cách thức nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp trong sự tương tác hài hòa với môi trường tự nhiên mà còn đem đến cho người đọc những suy tưởng thú vị về triết học, về ăn uống, về y học và cuộc sống.
Có thể gọi ông Masanobu Fukuoka, tác giả cuốn sách, là người nông dân vĩ đại nhất hành tinh cũng không có gì là lạm dụng từ ngữ. Ông là người đạt đến cảnh giới vô vi trong nông nghiệp và là vị sư tổ của nông nghiệp tự nhiên.
Nhưng bạn không nên để tựa đề cuốn sách đánh lừa. “Cuộc cách mạng một - cọng - rơm”, nhưng chẳng có “cuộc cách mạng” nào ở đây cả. Cuốn sách chỉ là những ghi chép của một người làm nông khiêm nhường rón rén trước thiên nhiên vườn ruộng, như thể mỗi một từ được viết ra tác giả đều sợ làm tổn thương đất đai cây cỏ.
Bạn cũng sẽ thất vọng nếu có ý định tìm trong cuốn sách này những tri thức về nông nghiệp, dù là nông nghiệp hữu cơ hay nông nghiệp tự nhiên. Bởi vì đối với ông Fukuoka, tri thức là hữu hạn, còn thiên nhiên cây cối là vô cùng, cái hữu hạn không thể thâu tóm được cái vô cùng.
Cuốn sách cũng không nhằm góp phần làm đa dạng hóa kiến thức của bạn về thiên nhiên và cuộc sống. Bạn sẽ thấy tác giả của nó không hề có ý định như vậy.
Trong kho tàng sách vở của nhân loại, trừ cuốn Pháp bảo đàn kinh của Lục tổ thiền tông Huệ Năng, hiếm có cuốn sách nào như cuốn sách này, khi mà tác giả không hướng người đọc theo tư tưởng và quan niệm của người viết sách mà hướng người đọc vào chính bản thân họ trong mối quan hệ tương tác với môi trường sinh ra và nuôi dưỡng họ.
Viết về nông nghiệp nhưng ông Fukuoka không để người đọc dính mắc vào các kiến thức trồng trọt và chăn nuôi, cũng không dính mắc vào chính cuốn sách của ông. Người ta bảo phương pháp Fukuoka là thiền trong nông nghiệp là vì vậy.
Đọc cuốn sách này và gấp nó lại, bạn sẽ không còn nghĩ ông Fukuoka đã viết những gì, nhưng bạn sẽ nhận ra vô số những điều mà trước đây do những tri thức học ở sách vở, trong trường lớp đã biến thành định kiến trong đầu bạn khiến cho bạn không nhận ra. Bạn sẽ nhìn cái cây không phải là giống thực vật vô tri được mô tả trong sách trồng trọt mà là cái cây có tâm hồn. Bạn sẽ thú vị nhớ lại, trong câu chuyện cổ tích Một người mẹ, nhà văn Andersen đã từng bảo mỗi một cái cây đều có một số phận, mỗi cái cây đều có một trái tim. Và bạn sẽ hiểu vì sao ông Fukuoka lại nói chỉ có những đứa trẻ mới nhìn được thiên nhiên như thiên nhiên vốn có.
***
Tôi tin rằng chỉ một cọng rơm cũng có thể làm nên cả một cuộc cách mạng. Thoạt nhìn, cọng rơm có vẻ mỏng manh và không đáng kể gì. Khó có ai lại có thể tin rằng nó có thể khơi nguồn cho một cuộc cách mạng. Nhưng tôi đã đi đến chỗ nhận ra được sức nặng và quyền năng của cọng rơm này. Đối với tôi, cuộc cách mạng này rất thực.
Hãy nhìn những cánh đồng đại mạch và hắc mạch này. Khi chín, chúng sẽ đạt năng suất khoảng 22 giạ (gần 6 tạ) trên một nghìn mét vuông. Tôi tin rằng năng suất này ngang ngửa với tốp đầu ở tỉnh Ehime. Mà nếu ngang ngửa tốp đầu của tỉnh Ehime, thì nó có thể dễ dàng ngang bằng với sản lượng thu hoạch tốp đầu trên toàn quốc – vì đây là một trong các khu vực nông nghiệp trọng yếu của Nhật Bản. Thế mà những thửa ruộng này không hề được cày đất suốt hai mươi lăm năm qua.
Để trồng, tôi chỉ đơn giản rải hạt giống đại mạch và hắc mạch lên những thửa ruộng riêng rẽ vào mùa thu, trong lúc lúa1 vẫn còn trên ruộng. Ít tuần sau đó, tôi thu hoạch lúa rồi rải rơm của chúng trở lại khắp đồng.
Với lúa thì cũng gieo tương tự. Ngũ cốc mùa đông sẽ được gặt vào khoảng 20 tháng năm.
Chừng hai tuần trước khi ngũ cốc mùa đông chín hẳn, tôi vãi hạt giống lúa lên ruộng đại mạch và hắc mạch. Sau khi ngũ cốc mùa đông được thu hoạch và đập lấy hạt, tôi lại rải rơm đại mạch và hắc mạch lên khắp ruộng.
Tôi cho rằng việc sử dụng cùng phương pháp để trồng lúa và ngũ cốc mùa đông là điểm độc đáo chỉ có trong cách làm nông tự nhiên này. Nhưng có một cách còn dễ hơn. Khi sang tới thửa ruộng bên cạnh, tôi sẽ chỉ ra cho các bạn thấy rằng lúa ở đó đã được gieo vào mùa thu năm ngoái cùng lúc gieo ngũ cốc mùa đông. Trên thửa ruộng đó, việc gieo trồng của cả năm đã xong vào thời điểm đón chào năm mới.
Hẳn các bạn cũng để ý thấy rằng cỏ ba lá hoa trắng và cỏ dại đang sinh sống trên những cánh đồng này. Hạt giống cỏ ba lá được gieo giữa đám lúa vào đầu tháng mười, trước khi gieo đại mạch và hắc mạch một thời gian ngắn. Còn cỏ dại thì tôi chẳng cần phải lo gieo hạt, chúng tự làm việc đó khá dễ dàng.
Vậy là thứ tự trồng trọt trên cánh đồng này như sau: vào đầu tháng mười, cỏ ba lá được vãi vào đám lúa đang sinh trưởng; tới giữa tháng thì đến lượt gieo ngũ cốc mùa đông. Đầu tháng mười một, lúa được thu hoạch, sau đó gieo luôn hạt giống lúa cho năm sau rồi phủ rơm lên khắp ruộng. Chỗ đại mạch và hắc mạch mà các bạn đang thấy ở trước mắt được gieo trồng theo phương cách này.
…
Mời các bạn đón đọc Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm của tác giả Masanobu Fukuoka.