[AudioBook Người Thầy](http://dtv-ebook.com/tim-kiem.html?keyword=audiobook người thầy)
Hồi ức của Frank McCourt (1930-2009) - một tài năng văn chương “nở muộn” - viết về khoảng thời gian hơn 30 năm đeo đuổi sứ mệnh làm thầy trên đất Mỹ. Cuốn sách này dành cho tất cả những ai ưu tư về ý nghĩa tối hậu của nghề sư phạm.
1. Trước hết, cuốn sách Người thầy(*) được viết từ một độ lùi thời gian, khi McCourt đã về hưu và đã có tác phẩmAngela’s ashes (Tro tàn của Angela - Hoàng Nguyên và Nguyễn Bích Lan đã dịch sang tiếng Việt, NXB Phụ Nữ, 2004) đoạt giải Pulitzer được nhiều người biết đến. Từ điểm nhìn khoan dung này có thể thấy đây là một tác phẩm mang cảm giác kiêu hãnh, đầy thanh thản của một người đã hoàn thành lý tưởng sự nghiệp nhà giáo của mình, nhìn lại một quá khứ hào sảng hơn là bày tỏ bức xúc hay cay đắng về nghề của người trong cuộc.
Nước Mỹ thời bấy giờ, như tác giả viết: “Có phồn vinh, nhưng sự phồn vinh này không nhỏ giọt xuống tới các trường học, tới những ông thầy mới vào nghề cần học cụ cho việc giảng dạy lại càng không”. Điều đó tác động trực tiếp đến đời sống sư phạm của người thầy trẻ McCourt, người Ireland, chọn New York làm nơi lập nghiệp. Tuy nhiên, như đã nói, cuốn sách bằng một giọng văn tếu táo, hài hước cho thấy sự hào hứng, nhiệt huyết dấn thân vào nghề nhiều hơn là sự căng thẳng trước cơ chế.
Trung tâm của nghề giáo là đời sống mô phạm của người thầy. Nhưng sự mô phạm đã được thầy McCourt “tư duy lại” như một kẻ đi ngược lối nghĩ thông thường của những đồng nghiệp khác. Những giáo viên nghiêm khắc, quen sống trong tháp ngà khiến học sinh luôn lo sợ điểm xấu không thể chấp nhận được một kiểu mô phạm như McCourt, người thầy mà ngay từ buổi đầu đi dạy đã mắc cái lỗi - nhặt mẩu bánh mì kẹp thịt trên nền đất (của đám học trò choai choai nghịch ngợm ném nhau) để… gặm ngon lành.
Những giáo viên luôn đóng kín mình, coi việc dạy học là trách nhiệm khô khan, xem học trò là bọn quỷ quyệt cần cảnh giác sẽ khó chấp nhận một lối dạy tự do, gần gũi, ở đó ông thầy trẻ dám lấy tuổi thơ lớn lên ở khu ổ chuột Limerick, Ireland tồi tàn, lấy thời sinh viên nghèo nhưng nhiều mộng tưởng đến quãng thời gian xếp bằng đại học đi bốc vác ở những hải cảng để làm chất liệu cho bài giảng…
2. Từ sự quan tâm, nắm bắt tâm lý “những chuyển động trong tâm hồn” học trò cộng với những trải nghiệm cuộc sống đã cho thầy giáo trẻ McCourt khả năng nhập vai đầy sáng tạo: “Anh thủ đủ mọi vai, là ông bốc xếp, thầy rabbi (giáo sĩ Do Thái), là cái vai cho học sinh gục đầu vào khóc, nhà mô phạm nghiêm khắc, ca sĩ, học giả xoàng, thầy ký, trọng tài, gã hề, ông cố vấn, người giám sát ăn mặc, người soát vé xe, người biện hộ, triết gia, kẻ đồng lõa, vũ công clacket, chính trị gia, bác sĩ trị liệu, gã điên, cảnh sát giao thông, mục sư, mẹ-cha-anh-chị-cô-chú, nhân viên kế toán, nhà phê bình, nhà tâm lý, chiếc phao cấp cứu…” mặc dù phía sau bục giảng đầy hào hứng bao giờ cũng là một thế giới đầy những căng thẳng, tranh cãi.
Điều đáng sợ nhất là chính McCourt phải đối diện với những quan điểm dạy học truyền thống đầy khô khan và lạnh lùng của đồng nghiệp, cấp trên. Và kết quả của những cuộc va chạm là người thầy này đã phải nhiều lần bị thôi việc.
Từng dạy tiếng Anh tại các trường McKee, Seward Park, trung học danh tiếng Stuyvesant…, thầy giáo McCourt vẫn là một kẻ vui vẻ hi sinh những đam mê danh vọng khác, chấp nhận nghịch cảnh và xác tín với con đường mình theo đuổi. Lần đầu tiên có một người thầy làm cái công việc lưu trữ và phân loại hai chồng thư: một chồng do những bà mẹ viết xin lỗi giáo viên về việc con mình nghỉ học với những lý do tẻ ngắt, còn chồng kia là của đám học trò giả phụ huynh viết phịa ra lý do rất xuất sắc và siêu tưởng để đôi chối việc nghỉ học của mình.
Từ đó, thầy giáo McCourt thực hiện ý tưởng biến giờ giảng của mình thành một buổi nghiên cứu nghệ thuật viết thư xin lỗi. Ông cho học sinh tưởng tượng và viết những lá thư kiểu như “Thư Adam xin lỗi Chúa Trời” hay “Thư Eva xin lỗi Chúa Trời”…
Và chúng ta cũng đọc thấy câu chuyện có một ông thầy “chịu chơi”, dám đi xem vở Hamlet với 29 học trò nữ da đen nghịch ngợm, ngổ ngáo, thực hiện ý tưởng biến giờ học sáng tác thành nơi trình diễn các món ăn truyền thống của dân nhập cư, phổ biến những cuốn sách ẩm thực kết hợp với chơi nhạc “cây nhà lá vườn”…
3. Nhưng sau những bài giảng đầy hứng thú, sau thế giới vui nhộn ở những lớp học, đời sống của một giáo viên nghèo nhập cư là một chuỗi hi sinh cay đắng: đó là sự thiếu thốn trong đời sống khiến vợ chồng McCourt phải ly dị; đó là những ngày ông phải sống lang bang với một gian trọ trên quán rượu nơi hải cảng, vây quanh bởi thế giới ô tạp anh chị, giang hồ, đĩ điếm; đó là sự gan lì, khoan dung, bỏ qua những lời lẽ chế nhạo đầy vô tâm của những học sinh lãnh đạm, những phụ huynh thực dụng…
Điều đáng quý là sự cô độc và giằng xé đau đớn ấy đã không làm mất đi niềm say mê mở ra những biên độ sáng tạo, tinh thần hài hước trong các bài giảng, trong những giờ ngoại khóa của thầy McCourt.
Cuối cùng, điều cốt yếu mà chúng ta nhận ra trách nhiệm lớn lao, cao trọng nhất đối với người thầy đó chính là bằng tài năng và thiên chức của mình, biết khơi gợi sự sáng tạo nơi giang sơn - lớp học của mình, chống lại sự cưỡng bức trong giáo dục. Vì sự cưỡng bức sẽ hủy hoại thứ cảm xúc lành mạnh, lòng trung thực và sự tự tin nơi học sinh. Cưỡng bức trong giáo dục có nguy cơ sinh ra những công dân chỉ biết run sợ và phục tùng.
Xã hội đang rất cần những người thầy biết xua đi nỗi sợ hãi bên lề trái của bảng đen để đem lại động lực hiểu biết, khuyến khích tinh thần tự do sáng tạo nơi mỗi học sinh, mỗi công dân tiến bộ của tương lai.
Đó có lẽ là hình mẫu người thầy mà bất cứ xã hội nào cũng mong đợi.
Mời các bạn đón đọc Người Thầy: Hồi Ức của Một Nhà Giáo Mỹ của tác giả Frank McCourt.