Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Góc Sân và Khoảng Trời - Trần Đăng Khoa

Ngay từ khi còn đi học lớp 1, mới lên 8 tuổi, thơ Trần Đăng Khoa đã được đăng báo và những bài thơ của anh thời ấy đã được tập hợp để in thành một tập thơ dày dặn cũng đã rất nổi tiếng. Tập thơ có tên Góc sân và Khoảng trời.

Năm 1968, khi Trần Đăng Khoa tròn 10 tuổi, Góc sân và Khoảng trời được in lần đầu, gồm 52 bài với số lượng 10.000 cuốn; năm 1973, Góc sân và Khoảng trời được bổ sung thành 66 bài, in với số lượng lên tới 50.000 bản. Thế là từ đấy, tập thơ này mỗi năm đều được bổ sung thêm và in lại nhiều lần ở nhiều nhà xuất bản khác nhau. Cho đến lần in năm 2002 là lần thứ 50, một con số có lẽ là kỷ lục cho những cuốn sách được tái bản nhiều lần ở nước ta.

Đọc Góc sân và Khoảng trời, chúng ta sẽ thấy hiện lên cả một thế giới con người và sự vật mà trong đó con người nào cũng đều để lại một dấu ấn tốt đẹp trong con mắt của thi sĩ tí hon Trần Đăng Khoa; còn sự vật thì hầu như tất cả đều đã được nhân cách hóa, trở thành những bạn bè thân thiết, không thể xa rời, và điều đặc biệt là tất cả đều nằm trong tầm nhìn của tác giả, tầm nhìn của đôi mắt trẻ thơ.

Đó là con bướm vàng, cái sân, dòng sông Kinh Thầy, con chim, con gà, vườn cải, cây đa, con trâu, cây trầu… và nhất là ánh trăng của làng quê. Với tuổi thơ trong Góc sân và Khoảng trời của Trần Đăng Khoa, ông trăng cũng ngây thơ như trẻ con, cũng thích khoe khuôn mặt tròn, cũng nhoẻn miệng cười thích thú khi nhìn thấy chuối, thấy xôi; và thú vị nhất là cũng biết thập thò ngoài cửa khi rủ bạn đi chơi. Chúng ta hãy đọc những câu thơ như thế trong bài Trông Trăng:

Trăng như cái mâm con
Ai treo ông cao thế
Ông nhìn đàn em bé
Muốn khoe có mặt tròn

Nải chuối tiêu thơm mát
Ông trăng nhìn thấy xôi
Là ông nhoẻn miệng cười
Áng chừng ông thích lắm

Khuya không trông trăng nữa
Trăng thập thò ngoài cửa
Muốn rủ em đi chơi…

Thơ trong Góc sân và Khoảng trời là thơ của tuổi thơ viết về tuổi thơ. Nhưng đó là tuổi thơ của một thời mà đất nước ta đang trong chiến tranh chống xâm lăng, lửa đạn nổ ngút trời.

Đó là cái thời mà từ những anh trai làng đến các sinh viên đại học, và cả những người thầy của tác giả Trần Đăng Khoa cũng đều lên đường ra trận. Trong bài Con chim hay hót, tác giả đã miêu tả hình ảnh những chú chim non nhìn dãy phi lao các anh bộ đội trồng ngày ra đi đánh Mỹ mà nhớ đến các anh và mong mỏi có ngày các anh sẽ trở về:

Con chim nó đỗ cành tre
Bay ra cành chè nó hót hay hay
Hót rằng cây phi lao này
Mấy anh bộ đội trồng ngày ra đi
Phi lao mới nói rầm rì
Rằng anh bộ đội mai kia lại về.

Trong Góc sân và Khoảng trời của Trần Đăng Khoa, có hẳn một mảng thơ về người thầy giáo, nhưng đều là những người thầy - người lính - người thương binh.

Bàn chân thầy giáo là một bài thơ thật cảm động về tình thầy trò và lòng yêu nước ngút ngàn trong chiến tranh. Bom Mỹ dội xuống trường học. Phượng đổ, trường sập, mặt bảng đen lỗ chỗ vết bom bi. Thầy cầm súng đi ra trận. Trong chiến đấu, thầy bị thương mất đi một bàn chân. Và thầy lại quay về trường làm một người thầy giáo thương binh. Câu chuyện về người thầy của Trần Đăng Khoa trong bài Bàn chân thầy giáo có thể viết thành một truyện ngắn, hơn thế, có thể viết thành một cuốn tiểu thuyết đẫm chất bi hùng. Nhưng với tuổi 15 của Trần Đăng Khoa, trước hết, đó phải là những câu thơ cảm động:

Thầy ngồi ghế giảng bài
Xếp cạnh bàn đôi nạng gỗ
Một bàn chân đâu rồi
Chúng em không rõ…
Bàn chân thầy gửi lại Khe Sanh
Hay Tây Ninh, Đồng Tháp
Bàn chân đạp xuống đầu lũ giặc…
Em lắng nghe thầy giảng từng lời
Rung động bao điều suy nghĩ…

Đọc lại Góc sân và khoảng trời, thấy thơ Trần Đăng Khoa thuở tuổi lên 10 thật là trẻ con nhưng cũng thật là người lớn.

Nếu lấy con mắt của người đọc là trẻ em hôm nay để nói thì đấy là tập thơ của một chú bé già trước tuổi. Hay nói cách khác là Trần Đăng Khoa đã thành người lớn từ khi còn là trẻ con. Nhưng vấn đề là chúng ta phải đặt tập thơ khi nó ra đời vào hoàn cảnh lịch sử xã hội bấy giờ của đất nước, một đất nước đang chiến tranh, người người đi ra trận, đến cả chú chó vàng thân yêu của tác giả cũng bị chết vì bom Mỹ thì sự ra đời của những bài thơ như trong Góc sân và khoảng trời là điều tất yếu.

Chính những bài thơ được tập hợp lại trong Góc sân và khoảng trời đã làm nên một thần đồng thơ Trần Đăng Khoa ngày nào. Năm 2002, Góc sân và khoảng trời là một trong ba tập thơ của Trần Đăng Khoa được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Mời các bạn đón đọc Góc Sân và Khoảng Trời của tác giả Trần Đăng Khoa.