Là con người thì ai cũng muốn sống, sống thật vui, thật hạnh phúc bên người thân và bạn bè. Nhưng Nếu ngày mai phải ra đi, ta muốn để lại gì?
Giáo sư Pausch là một con người, và tại thời điểm ông chuẩn bị cho bài giảng cuối cùng của mình, ông chỉ còn sống được vài tháng. Ông có một sự nghiệp thành công, là một nhà khoa học đạt đến học vị giáo sư. Ông có một gia đình nhỏ cho riêng mình, với vợ và ba con… Những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời mình, giáo sư giảng bài, vì ông là một thầy giáo.
Đặt mình vào vị trí của giáo sư Pausch, có thể ai cũng tiếc nuối nhưng bản thân tôi thì không. Ông đã có một tuổi thơ êm đềm, một gia đình lớn đầm ấm, một gia đình nhỏ hạnh phúc và sự nghiệp thành công. Tất cả những giấc mơ của ông từ thuở bé đều đã trở thành hiện thực. Ông đã đem đến hy vọng cho nhiều người, đã nâng đỡ cho giấc mơ của nhiều sinh viên, đã sống và mạo hiểm với cách trị liệu khắc nghiệt nhất để rồi khi cơ hội không còn thì vẫn có thể đứng thẳng người đợi chờ ngày kết thúc…
Bài giảng của giáo sư Pausch nhẹ nhàng như chính cách ông bước lên bục giảng. Chiếc áo thun màu rêu, quần tây màu kem và nụ cười trên môi. Thật khó để tin rằng trong cơ thể người đàn ông đó có cả chục khối u ác tính.
“Bài giảng cuối cùng” có 61 phân đoạn ghi lại 53 “bài giảng” – 53 câu chuyện về một cuộc đời mà trong đó, Randy Pausch là nhân vật chính, cũng là người dẫn chuyện. Những bài giảng, đúng theo ý nghĩa của nó, chuyển tải đến người nghe những thông điệp, những bài học mà đôi khi đơn giản đến mức ta đã bỏ qua trong cuộc đời mình.
Câu chuyện của những ước mơ
Khi ta còn nhỏ, ta có những ước mơ thật vĩ đại như trở thành siêu nhân, anh hùng hay làm thay đổi cả thế giới… Khi ta lớn hơn một chút, những ước mơ cũng bớt vĩ đại đi một chút, như trở thành một bác sĩ, một cảnh sát hay một doanh nhân… Và đến khi ta trưởng thành, ước mơ của ta bây giờ là có một nghề nghiệp ổn định và một gia đình êm ấm. Điều đó có nghĩa là không phải ai cũng có thể giữ cho mình những ước mơ từ thời thơ ấu và thực hiện nó. Tuy nhiên, “Bài giảng cuối cùng” – bài giảng của một vị giáo sư chỉ còn sống được vài tháng lại dạy cho ta một điều khác, rằng ông đã Thật Sự Đạt Được Những Ước Mơ Tuổi Thơ.
“Nếu bạn dám mơ ước điều gì, bạn sẽ có thể thực hiện điều đó.” – Walt Disney
Phần lớn số trang của cuốn sách là để nói về những trải nghiệm của giáo sư Randy Pausch trong hành trình ông thực hiện ước mơ của mình. Bài giảng bắt đầu bằng một danh sách những ước mơ ngay từ khi giáo sư còn là một cậu bé.
- Ở trạng thái không trọng lượng.
- Chơi bóng bầu dục ở hạng quốc gia.
- Viết một bài cho Bách khoa Toàn thư Thế giới.
- Làm thuyền trưởng Kirk.
- Thắng giải những con thú bông.
- Làm một Disney Imagineer.
Những ước mơ này, có cái đã trở thành sự thật, có cái còn dang dở nhưng không ước mơ nào mà giáo sư chưa thử thực hiện.
Cậu bé Randy nằm dài ra bàn dang rộng cánh tay rồi tưởng tượng mình đang bay trong không trung đã trở thành giáo sư Pausch và cùng những sinh viên của mình trải nghiệm 25s không trọng lượng ở NASA…
Cậu bé Randy không thể chơi bóng bầu dục ở hạng quốc gia nhưng qua bóng bầu dục đã học được những bài học đắt giá về nỗ lực và lòng tự trọng…
Cậu bé Randy hâm mộ bộ Bách khoa Toàn thư Thế giới đã trở thành giáo sư Pausch được mời để viết về lĩnh vực ông giỏi nhất, thực tế ảo…
Cậu bé Randy đã không thể trở thành thuyền trưởng Kirk nhưng giáo sư Pausch đã gặp được thuyền trưởng Kirk và đưa thuyền trưởng vào thế giới của ông…
Những ước mơ nối tiếp nhau trong một cuộc đời, dẫn dắt một con người trưởng thành, rồi bài học lớn nhất được rút ra lại chính là “Tôi đã đạt được nhiều thứ hơn qua việc theo đuổi ước mơ này, mà không đạt được nó, so với việc theo đuổi và đạt được nhiều ước mơ khác.”Cái quan trọng không phải là làm thế nào để thực hiện được ước mơ của bạn. Nó là việc làm thế nào để dẫn dắt cuộc đời bạn. Nếu bạn dẫn dắt cuộc đời của bạn một cách đúng đắn, cái nghiệp sẽ tự thành. Các ước mơ sẽ đến với bạn.
Kết thúc cũng là một cách để bắt đầu
“Không cần phải sống mới có thể yêu thương.”
Ngay ở phần đầu của cuốn sách, khi viết về khoảng thời gian chuẩn bị cho bài giảng, giáo sư Pausch đã nói như vậy. Và câu nói khiến tôi giật mình. Không sống thì làm sao yêu thương được?
Thật ra, câu nói đó đúng hay sai cũng đâu quan trọng vì trên thế giới này có rất nhiều cách để thể hiện tình yêu thương của mình. Một cái ôm. Một nụ hôn. Một vài lời quan tâm. Hay một kỷ niệm, một di vật để lại. Với “Bài giảng cuối cùng” – di sản người cha để lại cho các con, các con của Pausch sẽ biết cha các em yêu các em đến chừng nào.
Có thể chuẩn bị cho cái chết của mình là một may mắn chăng? Và người ra đi thì bao giờ cũng nhẹ lòng hơn người ở lại. Những day dứt của Randy Pausch về nỗi đau mà người thân của mình phải gánh chịu sẽ chấm dứt vào thời điểm cuối cùng. Nhưng có thật thế không? Pausch là một người chồng không thể chăm sóc cho người vợ yêu quý trong những ngày tháng khó khăn sắp tới… Pausch là một người cha không thể chứng kiến những đứa con của mình lớn lên và chăm sóc chúng… Thật ra thì, Randy Pausch vẫn đau đấy chứ, chỉ có điều rồi sẽ đến lúc ông không biết là mình đau lòng mà thôi.
Chết là kết thúc và chấm dứt, không có thiên đường, không có địa ngục. Nhưng đó cũng là cơ hội để một người nào đó sẽ thay thế ta trên cõi đời này. Một cách khác để bắt đầu chặng đường mới.
Nếu một ngày mở mắt ra và phát hiện người thân của mình không còn nữa, bạn sẽ làm gì? Giữ cho mình một niềm tin bằng những gì còn lại, đó là minh chứng của tình yêu thương.
“Bài giảng cuối cùng” là bài giảng khép lại một sự nghiệp, khép lại một cuộc đời và được chia sẻ bằng cảm xúc và những câu chuyện. Những bài học đơn giản mà giáo sư Randy Pausch dạy chúng ta là cách đối mặt với hiện thực. “Chúng ta không đổi được những quân bài đã chia, chỉ có thể đổi cách chơi những quân bài đó.” Đem điều đó vào cuộc sống, ta sẽ có những bài học để thành công và thành người.
Mời các bạn đón đọc Bài Giảng Cuối Cùng của hai tác giả Randy Pausch & Jeffrey Zaslow.