Chiến tranh Đông Dương (1946-1954) là một cuộc đấu tranh lâu dài và đẫm máu. bằng việc đưa một quân đội thử nghiệm cửa thực dân Pháp vào đọ sức với Việt Minh, một quân đội nhân dân của Cộng sản luôn tận trung với việc giải phóng Việt Nam khỏi ách thống trị của Pháp. Trận đánh quyết định là trận đánh năm 1954 ở Điện Biên Phủ, một làng miền núi nhỏ thuộc đất đai của người Thái ở phía Tây Bắc Việt Nam.
Điện Biên Phủ không phải là một cuộc giao chiến lớn theo các điều khoản quy ước nhưng đó là một cuộc đấu trí quân sự quan trọng và là một thế giới vĩ mô của những va chạm chính trị - quân sự quốc tế nổi lên sau Thế chiến II. Đó còn là nơi thể hiện lòng dũng cảm, sự đánh giá sai lầm, sự ngoan cố và thất bại. Điều đó đã được báo trước cho quân đồn trú từ trước khi trận tấn công cuối cùng diễn ra. Khói bụi của chiến trường che lấp đi những sai lầm về chiến thuật cũng góp một phần không nhỏ vào sự thất bại này. Cuộc giao tranh quân sự đã làm thay đổi bộ mặt của Đông Nam Á và được coi như một điềm báo đối với những trận đánh tốn kém mà lực lượng Mỹ sau này sẽ thực hiện ở các khu rừng và cánh đồng lúa của miền Nam Việt Nam.
Lần đầu tiên tôi tới Điện Biên Phủ vào cuối tháng 11 năm 1953 trên chiếc máy bay vận tải “Dakota” C-47 của không quân Pháp hạ cánh xuống đường băng mới sửa chữa sau khi bị đóng cửa trong một chiến dịch không quân ngày 20 tháng 11. Ba tiểu đoàn dù của Pháp đã bảo vệ khu làng và đường băng cho dù có sự kháng cự mạnh của một đơn vị đồn trú Việt Minh được tăng cường. Tôi đã theo dõi cuộc xung đột Đông Dương từ tháng 2 năm 1952 khi là phóng viên chiến tranh thuộc một Hãng Thông tin của Mỹ (USIA) và đã biết một số sĩ quan, binh lính ở Điện Biên Phủ từ các chiến dịch trước ở Bắc Việt và Lào. Trong thời gian ở Điện Biên Phủ, tôi quan sát được công việc xây dựng căn cứ và sự có mặt của quân tăng cường, tới thăm các vị trí công sự của các tiểu đoàn thu thập thông tin từ các sĩ quan cao cấp ở bốt chỉ huy cùng với Thiếu tá Marcel Bigeard và tiểu đoàn dù số 6 đi tuần tra thăm dò các đơn vị Việt Minh ở các khu đồi xung quanh. Vào giữa tháng 12, các lực lượng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải nằm im trong công sự không dám liều mạng ra xa thung lũng nếu không liên lạc được với quân chính quy Việt Minh. Trước khi tôi rời Điện Biên Phủ, một sĩ quan viễn chinh khẳng định: “Lần này Việt Minh sẽ vào đông, đó sẽ là một cuộc chiến thực sự”. Tôi đang trên đường từ San Francisco về nhà ngày 7 tháng 5 năm 1954 thì được tin Điện Biên Phủ bị thất bại sau một trận bao vây 57 ngày. Dẫu sao những người am hiểu tình hình vẫn rất khó khăn khi đánh giá về phạm vi thắng lợi của Cộng sản.
Hiệp định Geneve tháng 7 năm 1954 đã chấm dứt cuộc chiến tranh và người Pháp đang chuẩn bị rời Đông Dương thì tôi quay trở lại Sài Gòn. Nhiều bạn bè bị bắt ở Điện Biên Phủ đã được Việt Minh phóng thích. Nhiều người khác đã chết trên đường hành quân dài ngày hoặc trong các trại tù. Những người sống sót kể lại sự thật về trận đánh.
Tôi rời Việt Nam năm 1955, được giao nhiệm vụ quay lại Sài Gòn năm 1964 làm cố vấn cho Thủ tướng và đã thăm lại đất nước này trong chuyến công tác ngắn ngày năm 1971. Năm 1991 tôi trở lại Việt Nam, với tư cách là một nhà báo, được phép thực hiện một cuộc phỏng vấn dài với Đại tướng Giáp và thảo luận về chiến tranh Đông Dương, về Điện Biên Phủ với các cựu chiến binh Việt Minh. Gần đây hơn, tôi được tiếp cận với những tài liệu về Điện Biên Phủ trong các kho lưu trữ của Quân đội Pháp. Sở chỉ huy quân Viễn chinh nước ngoài ở Aubagne cho phép tôi sao chụp những thống kê cá nhân về trận đánh này của các lính Lê dương sau khi bị bắt trở về.
Đáng giá nhất là các cuộc phỏng vấn những người sống sót sau trận Điện Biên Phủ. Mặc dù nhiều năm đã trôi qua, cuộc chiến vẫn khắc sâu vào ký ức của những người tham chiến. Một số đã chết trong thời gian đó hoặc không thể tiếp cận được. Tuy nhiên, nhờ vào những cuộc tiếp xúc riêng, tôi đã gặp được một bộ phận tiêu biểu những người đã phải chịu đựng cảnh bao vây. Những người khác hợp tác bằng cách điền vào mẫu câu hỏi trắc nghiệm để giải thích phần việc của họ trong cuộc chiến này.
Mùa xuân năm 1992, tôi đang ăn trưa ở Montparnasse với Đại tá Bùi Tín, một cựu chiến binh Việt Minh ở Điện Biên Phủ. Ông nhớ lại các trận đánh trước đây. Và nói với tôi: “Điện Biên Phủ là sự tái diễn hoàn hảo cuộc chiến tranh của Việt Nam với người Mỹ. Tất cả chỉ huy của các quân đoàn, sư đoàn trong cuộc chiến với Mỹ đều đã chiến đấu ở Điện Biên Phủ”.
Nếu Điện Biên Phủ đã dạy cho Việt Minh - những người tiên phong của quân đội Bắc Việt và Việt Cộng - những bài học có giá trị, thì những nhà vạch kế hoạch quân sự Mỹ lại không thể có được.
Mỹ đã ủng hộ cho nỗ lực của Pháp bằng những vũ khí, trang thiết bị và nguồn tài chính khổng lồ nhằm cản trở sự thống trị của Cộng sản ở Đông Nam Á. Các nhà ngoại giao sĩ quan quân sự Mỹ đã và đang theo dõi cuộc chiến tranh Đông Dương, Nhóm trợ lý cố vấn quân sự Mỹ (MAAG) đã và đang gián tiếp tham gia như những cố vấn không tham chiến. Khi cuộc chiến ở Điện Biên Phủ mở rộng, các sĩ quan Mỹ đã tới thăm các pháo đài trên núi như những nhà quan sát, những chỉ huy cao cấp của Mỹ từ Hawaii và Tokyo đã tới Sài Gòn và Hà Nội để bàn về khả năng can thiệp trực tiếp của Mỹ dưới sự ủng hộ của Pháp. Tiếp theo sự thất bại của Pháp và mặc cho chính quyền Mỹ đã ngay lập tức can thiệp trực tiếp vào Việt Nam thì các nhà vạch kế hoạch và chiến lược Mỹ đã làm ngơ trước những kinh nghiệm của Pháp. Pháp đã thua. Chúng tôi với sức mạnh công nghệ vượt trội sẽ thắng. Tinh thần hăng hái và triết lý khảng khái của chúng tôi đã che lấp đi những bài học của lịch sử.
Mời các bạn đón đọc Điện Biên Phủ cuộc đối đầu lịch sử mà nước Mỹ muốn quên đi của tác giả Howard R. Simpson.