Đọc tư tưởng hầu như bây giờ không biết phải tìm kiếm nơi đâu. Tìm nơi sách vở báo chí nước nhà chăng? Hiện thời tôi chưa thấy có sách nào nói đến một cách rõ ràng thấu đáo. Phần nhiều là những sách giải trí hoặc những sách giúp ta về tài liệu để rộng thấy xa nghe, biết được nhiều chuyện xưa tích cũ, hoặc nghiên cứu tư tưởng của ông hiền nầy, ông thánh nọ. Tuyệt nhiên, chưa từng thấy có quyển nào bàn đến cái nền tảng tinh thần ấy cho vỡ vạc. Gốc có vững, sau nầy tha hồ muốn học gì thì học, như gấm thêu hoa, học lực của mình mới có thể tiến bộ một cách khả quan và chắc chắn được. Thiếu nó là một thiếu sót rất lớn vậy.
Sách nầy viết ra là để bồi bổ vào chỗ khuyết ấy. Chủ ý của tác giả là giúp cho thanh niên hiếu học một cơ sở cho tinh thần để cho các bạn còn đi xa hơn nữa. Tác giả không hề bao giờ có cao vọng là đã “nói được tiếng cuối cùng” của thuật tư tưởng. Tư tưởng là một nghệ thuật, mà đã là nghệ thuật thì không thể truyền. Những điều có thể truyền được, chỉ là một vài phương pháp thô sơ tiêu cực thôi, nó chỉ là cái “cặn bã của cổ nhân” mà thôi, vì tư tưởng theo lý trí là tư tưởng để hành động không phải tư tưởng để tìm chân lý, cái chân lý tuyệt đối của nhà triết học.
Đọc xong quyển nầy các bạn sẽ thấy rằng, tư tưởng mà đúng đắn, đâu phải chỉ là một vấn đề trí dục mà thôi đâu: thật ra, là cả một vấn đề thể dục và đức dục nữa. Kẻ đau yếu, tật bệnh ít khi có được một phán đoán vững vàng, người mà tính tình bồn chồn, vụt chạc và đầy dục vọng làm gì suy nghĩ cho công minh.
Thể dục, trí dục và đức dục là ba cái chơn vạc của người lý tưởng… “Một thân thể không đau, một tinh thần không loạn đó là chân hạnh phúc của con người”. Được bấy nhiêu thôi, thì được gì nữa cũng là thừa. Mà thiếu một trong hai điều ấy, thì có được cái gì cũng vẫn còn thiếu mãi…
Mời các bạn đón đọc Thuật Tư Tưởng của tác giả Nguyễn Duy Cần và Thu Giang.