Lâu lắm rồi mới tìm lại được cảm giác thích đọc truyện, mà lại là một cuốn tiểu thuyết dày, giấy đen thui, chữ mờ câm nữa chứ. Nhưng khi ngoài trời mưa rơi rả rích, nằm cuộn chăn trên giường để theo dõi từng bước chân của các nhân vật thì đúng là chẳng còn gì bằng. Y hệt cái cảm giác của những ngày còn nhỏ.
Đã đóng trang cuối của cuốn truyện lại từ tối hôm qua nhưng tôi vẫn còn ám ảnh bởi đoạn cuối cùng. Hình ảnh Noriko đứng lặng lẽ, một mình trong phòng mổ, dưới ngọn đèn không hắt bóng, cô độc, lạnh lẽo. Cô chờ đợi Naôê xuất hiện như những ngày xưa. Mọi vật xung quanh cô đều không có gì thay đổi, cuộc sống cũng không có gì thay đổi, nó quen thuộc với cô đến mức cô có cảm tưởng rằng chỉ chốc lát nữa thôi, Naôê sẽ xuất hiện ngay lập tức mà thôi. Nhưng không, anh sẽ không bao giờ có thể mở cửa bước vào phòng mổ như mọi khi được nữa. Giờ đây anh đã yên nghỉ thanh thản vĩnh viễn dưới lòng hồ Sikôtsu, không còn đau đớn, không còn dằn vặt, không có mưu toan, không còn thủ đoạn. Cô không thể hiểu nổi tại sao Naôê không thể xuất hiện, căn hộ của anh vẫn còn kia mà, cái quán café cô và anh hay ngồi vẫn còn, cái bàn quen thuộc vẫn y như ngày nào, ngay cả phòng mổ, cái giường phẫu thuật, chùm đèn mổ, vẫn chẳng có gì thay đổi, tại sao anh không thể xuất hiện lại, ngay trước mặt cô trong lúc này đây. Cảm giác cô đơn đến mức rợn người, cô đơn khủng khiếp. Rồi đây cô sẽ sống thế nào khi không có anh bên cạnh, cô sống vì anh, hạnh phúc vì anh, tất cả đều dành cho anh kia mà, không có anh, rồi thì cuộc đời cô sẽ ra sao?
Có nhiều người nói rằng tình yêu của Noriko đối với Naôê là một thứ tình yêu cam chịu, rằng cô không đáng phải làm như vậy, cô nhẫn nhục một cách bất bình thường. Cô mù quáng, cô dại dột, cô khờ khạo. Nhưng tôi lại thấy đó là một tình yêu đẹp. Một thứ tình yêu hiến dâng, tình yêu say đắm, tình yêu cuồng nhiệt, yêu mà không đòi hỏi lại bất cứ một điều gì, cô chỉ biết rằng cô yêu anh, như vậy là đủ. Một người phụ nữ như vậy đáng để yêu lắm chứ. Nhưng, ngược lại, Naôê có yêu Noriko không? Hay đó chỉ là một sự thương hại, một sự hối hận vào lúc cuối đời. Anh muốn đền bù cho Noriko vì anh đã làm khổ cô quá nhiều? Tôi không tin điều đó. Tôi nhìn thấy ẩn sau cái vẻ lạnh lùng, băng giá, bất cần đời và bộ mặt ác quỷ của vị bác sĩ ngoại khoa này là cả một tấm lòng. Có lẽ nó bị căn bệnh ác tính mà anh mắc phải che lấp đi mất, nó bị sự từng trải, những thăng trầm mà anh gặp phải trong cuộc sống che khuất đi mất. Những sóng gió của cuộc đời là đánh tan hết những lý tưởng sống, những hoài bão của anh và trao lại cho anh một đôi mắt biết nhìn xoáy sâu vào tận bản chất của mọi vấn đề.
Nhưng “Đèn không hắt bóng” không chỉ có tình yêu giữa Noriko và Naôê. Tôi thích “Đèn không hắt bóng” vì còn nhiều điều khác nữa. Watanabe Dzunichi (tác giả) không chỉ là nhà văn mà ông còn là một tiến sĩ y khoa nữa. Có lẽ chính vì điều đó mà ông đã xây dựng được một hình tượng bác sĩ Naôê rất thật. Có nhiều người khó chịu vì hình tượng này, họ cho rằng Naôê không đáng được tôn vinh vì ông lấy lý do bệnh tật của mình mà chà đạp lên thân phận người phụ nữ v.v… Hơi buồn cười cho những suy nghĩ đó. Naôê không phải là một samurai, cũng chẳng phải là một vĩ nhân, anh chỉ là một bác sĩ bình thường như bao bác sĩ khác, có khác chăng là anh có tài hoa, kinh nghiệm, kiến thức. Cũng phải thôi, anh là phó giáo sư của trường ĐH Y mà. Mà đã là một người bình thường thì những hành động của anh trong hoàn cảnh đó hoàn toàn có thể hiểu được, những hành động rất người, rất thật. Không chỉ có Naôê, tôi còn nhìn thấy một Kobasi tràn đầy lý tưởng sống nhưng cũng vô cùng ngờ nghệch, một Yutaro thực dụng, và cả những bệnh nhân nữa, ông già Isikura bị K dạ dày di căn xương đã đến giai đoạn cuối mà cứ giữ vững niềm tin là mình đã khỏi bệnh, sẽ còn sống vui sống khỏe rất lâu sau đó nữa, hai vợ chồng cụ Uênô và bà Chiyô đã già lắm rồi nhưng lại nghèo, không có con cháu, chỉ có cụ bà lụm cụm chăm sóc cụ ông cho đến chết, cụ ông không đủ tiền truyền máu để tiếp tục sống nhưng sau khi ông mất, cụ bà vẫn đi lùng khắp nơi với số tiền ít ỏi của mình mua cho bằng được vài món quà nho nhỏ biếu bác sĩ để cảm ơn. Tôi cảm nhận được cái cảm giác nghẹn ngào của Kobasi khi buộc phải nhận gói quà đó. Cái cảm giác của người thầy thuốc khi thấy mình bất lực trước sức mạnh của tử thần, bất lực trước sự thật phũ phàng của cuộc sống. Tất cả những nhân vật ấy, tôi thấy rất quen, tôi có cảm giác tôi đã gặp họ ở đâu đó trong bệnh viện rồi. Họ là những mảnh ghép rời rạc, những nét chấm phá của tác giả để cố gắng vẽ nên một bức tranh trung thực nhất của ngành Y. Trong bức tranh ấy, không có những thứ giá trị “Y Đức” hão huyền được đề cao, tâng bốc, không có những hành động cao thượng, không có những câu chuyện cổ tích, không có anh hùng, không có hiệp sĩ, cũng chẳng có vĩ nhân. Chỉ có một sự thật, một sự thật trần trụi như thân thể con người ta dưới ngọn đèn không hắt bóng của phòng mổ vậy. Bạn có thể thấy hình ảnh của bệnh viện Oriental ở đâu đó trong bất cứ bệnh viện nào mà bạn có dịp ghé qua.
Câu chuyện còn thú vị vì những xung đột, những mâu thuẫn.
Mâu thuẫn giữa lý tưởng của anh chàng bác sĩ mới ra trường Kobasi với sự từng trải của bác sĩ Naôê. Có đôi khi tôi cảm thấy không ưa anh chàng Kobasi này, nhưng cũng có lúc anh làm tôi bật cười vì đôi khi tôi bắt gặp hình ảnh của chính tôi trong đó.
Mâu thuẫn giữa quan niệm về “Y Đức” (đạo đức trong nghề Y) và đạo đức theo quan niệm thông thường.
Cách giải quyết những mâu thuẫn trên của Naôê hoàn toàn hợp lý. Ít nhất là hợp lý đối với bản thân tôi. Chắc cũng phải còn lâu lắm tôi mới đủ nội lực để có thể giải quyết được như Naôê.
Một câu chuyện hay, hoàn toàn xứng đáng với 1 đêm thức trắng như đêm qua.
Mời các bạn đón đọc Đèn Không Hắt Bóng của tác giả Watanabe Dzunichi.