Văn học tiếng Việt nửa đầu thế kỷ XX chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, phong phú, đặc sắc của văn xuôi tự sự trong các thể tài phóng sự, truyện ngắn, truyện dài, tùy bút… Đến nay, sau gần một thế kỷ, trải qua nhiều thăng trầm, không ít tác phẩm trong số này đã chứng tỏ giá trị lâu dài của mình và trở thành những mẫu mực hầu như không thể vượt qua - những tác phẩm kinh điển. Tuy vậy, sự lắng đọng của giá trị, sự kết tinh của mẫu mực, ở khu vực di sản này vẫn là những tiến trình đang diễn biến hơn là đã hoàn tất. Do vậy, việc chọn ra và giới thiệu một cách tương đối có hệ thống những tác phẩm thuộc phần di sản này, là việc cần thiết.
Ở cuốn sách bạn đọc đang cầm trên tay, chúng tôi giới thiệu tập truyện ngắn Đôi lứa xứng đôi của nhà văn Nam Cao (1917-1951).
Tập truyện ngắn Đôi lứa xứng đôi, ký bút danh Nam Cao, ra mắt bởi nhà xuất bản Đời Mới tại Hà Nội năm 1941, gồm 7 truyện: “Đôi lứa xứng đôi”, “Nguyện vọng”, “Hai khối óc”, “Giờ lột xác”, “Chú Khì người đánh tổ tôm vô hình”, “Ma đưa”, “Cái chết của con Mực”. Được biết, truyện đứng đầu tập vốn được tác giả đặt tên trong bản thảo là “Cái lò gạch cũ”, nhưng người viết lời tựa cho tập truyện - nhà văn Lê văn Trương - đổi thành “Đôi lứa xúng đôi”, có lẽ nhằm gây chú ý cho công chúng đương thời, về sau, khi đưa in lại truyện này trong tập Luống cày (tập truyện của 4 tác giả: Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Hội Văn hóa cứu quốc xuất bản, Hà Nội, 1945!, tác giả Nam Cao đổi tên truyện của mình thành “Chí Phèo”.
Xuất hiện giữa những năm mà cuộc chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) đang ngày càng khốc liệt, khi các diễn biến cuộc chiến ở tận giời Âu hay ở ngay châu Á hầu như chi phối, thu hút mọi sự quan tâm của người đương thời, kể cả các giới làm báo làm văn, tập truyện Đôi lứa xứng đôi hầu như đã không gây được động tĩnh gì trong dư luận văn nghệ. Song điều đó không hề làm nản chí tác giả Nam Cao: chính đây là lúc ông bước vào những năm tháng sáng tác sung sức và hiệu quả nhất của mình, với hàng loạt truyện ngắn, truyện vừa, truyện thiếu nhi, xuất hiện hầu như hằng tuần trên các tờ báo ở Hà Nội.
Phải qua gần hai chục năm sau, trong đời sống hòa bình, giá trị thực sự của các sáng tác của Nam Cao mới được thừa nhận rộng rãi trong các giới sáng tác và phê bình, nghiên cứu văn học.
Truyện “Chí Phèo” hầu như được nhất trí xem như một kiệt tác, đỉnh cao trong văn nghiệp Nam Cao. đồng thời là kiệt tác đỉnh cao của văn xuôi tự sự Việt Nam những năm 1930-1945.
Mời các bạn đón đọc.