Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Benjamin Franklin - Cuộc Đời Một Người Mỹ

Benjamin Franklin không phải là cái tên xa lạ với nhiều người chúng ta. Khuôn mặt nhân từ, phúc hậu và thông thái của ông trên tờ 100 đô-la Mỹ lôi cuốn chúng ta, nhưng cuộc đời và những gì ông đã làm được thì có nhiều điều vẫn chưa được biết đến. Cuốn sách bạn đang cầm trên tay của Walter Isaacson, tác giả những cuốn tiểu sử cực kỹ hấp dẫn về Einstein và Steve Jobs đã được chúng tôi xuất bản ở Việt Nam, sẽ giúp mở ra những điều chưa biết đó. Tiểu sử Benjamin Franklin là câu chuyện cuộc đời một người Mỹ với tính cách rất Mỹ, không chỉ cho ta biết tính cách một con người mà còn là tính cách của một dân tộc.

Benjamin Franklin, người cha sáng lập nước Mỹ, như thể đang hóm hỉnh nháy mắt với chúng ta trong từng trang cuốn tiểu sử này, một con người như được làm bằng xương, bằng thịt thật sự chứ không phải bằng đá cẩm thạch. Trong hành trình kể về cuộc đời của Franklin, từ Boston đến Philadelphia đến London và Paris và rồi quay trở lại, Walter Isaacson ghi lại những cuộc phiêu lưu trong suốt cuộc đời dài tám mươi tư năm của ông, từ một người học việc, rồi trở thành nhà văn, nhà phát minh, người truyền thông hay nhất nước Mỹ, đồng thời cũng là nhà khoa học, nhà ngoại giao, và chiến lược gia kinh doanh, và là một trong những nhà lãnh đạo chính trị thực tiễn và khéo léo nhất đất nước này. Tác giả nhìn ra trí thông minh đằng sau cuốn Niêm giám Richard Nghèo Khổ và sự khôn ngoan đằng sau bản Tuyên ngôn Độc lập, sự thông thái đằng sau thỏa thuận Liên minh của các thuộc địa Mỹ với Pháp, một hiệp ước đã kết thúc Cách mạng và các thỏa hiệp đã tạo nên bản Hiến pháp Mỹ 1787 gần như hoàn hảo. Trong câu chuyện đầy màu sắc và thân mật này, Isaacson kể lại toàn bộ cuộc đời tuyệt vời của Franklin, cho thấy Benjamin Franklin đã góp phần định hình bản sắc dân tộc Mỹ như thế nào và lý do tại sao ông càng trở nên đặc biệt trong thế kỷ 21 này.

Chúng ta từng bị lôi cuốn và say mê với Tuyên ngôn Độc lập Mỹ năm 1776 do Thomas Jefferson chấp bút, đã biết đến bản Hiến pháp Mỹ năm 1787 và sự hùng mạnh, vĩ đại của nước Mỹ, giờ đây, qua cuốn tiểu sử này, chúng ta sẽ biết kỹ hơn về một trong những người có công sáng lập và kiến tạo tính cách Mỹ, kiến tạo thể chế và nền văn minh Hoa Kỳ.

Thật sửng sốt nếu biết rằng, vào năm 1728, khi còn là một chàng thợ in ngoài đôi mươi, Franklin đã viết những dòng ông muốn được ghi lên mộ chí sau này:

Thân xác của B. Franklin, Thợ in;

(Như bìa của một cuốn sách cũ, Nội dung đã hao mòn, Chữ nghĩa và màu mạ vàng đã mất đi)

Nằm đây, làm mồi cho giun dế.

Nhưng tác phẩm sẽ không mất đi:

Vì nó sẽ, (như ông hằng tin) xuất hiện một lần nữa,

Trong một phiên bản mới và trang nhã hơn,

Được Tác giả

Hiệu đính và sửa chữa.

Để cung cấp một cái nhìn đầy đủ và hệ thống, ngoài tiểu sử về Benjamin Franklin, trong tủ sách về các nhân vật vĩ đại nước Mỹ của chúng tôi còn giới thiệu “Những Người Cha lập quốc” như Thomas Jefferson, Alexander Hamilton…, và xa hơn nữa là George Washington; cùng chân dung các đời tổng thống Mỹ trong 44 đời tổng thống Hoa Kỳ.

Xin trân trọng giới thiệu tới các độc giả!

NGUYỄN CẢNH BÌNH
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Omega Plus

***

BENJAMIN FRANKLIN VÀ CÔNG CUỘC SÁNG LẬP NƯỚC MỸ

Hình ảnh Benjamin khi vừa đến Philadelphia là một trong những cảnh lừng danh bậc nhất của dòng văn học tự truyện: một cậu bé 17 tuổi bụi đời nhếch nhác, bản tính ngổ ngáo sau vẻ e dè, chen lấn ra khỏi tàu và mua ba ổ bánh mì* trong lúc thẩn thơ đi ngược lên Phố Chợ. Nhưng xin hãy chờ chút! Vẫn còn điều gì khác nữa. Một lớp màn được vén lên, chúng ta có thể thấy ông trong vai một nhà quan sát 65 tuổi khôi hài, đang ngồi trong một ngôi nhà ở miền quê nước Anh để tả lại cảnh này, vờ như đây là một đoạn trong bức thư gửi cho con trai - đứa con ngoài giá thú nay đã là một vị thống đốc hoàng gia thích học đòi làm quý tộc, cần được nhắc nhở về cội nguồn khiêm nhường của mình.

Thêm một lớp màn nữa lại vén lên khi ta đọc kĩ cuốn tự truyện hơn. Chen vào câu văn tả cuộc hành hương tiến về phía Phố Chợ là vài dòng do tác giả ghi bên lề, cho biết Benjamin mới đi qua nhà Deborah Read, vợ tương lai của ông, “nàng đứng trên thềm nhà nhìn tôi và nghĩ diện mạo tôi lúc đó mới thật tức cười và lố bịch làm sao, mà quả đúng như thế thật.” Vậy là chỉ với một đoạn văn ngắn ta thấy hiện lên một nhân vật đa tầng được tác giả trìu mến gọi tên Benjamin Franklin: thoạt tiên là một chàng trai trẻ, rồi được nhìn lại qua đôi mắt của chính chàng trai ấy lúc trung niên, tiếp đó được tái hiện qua ký ức của người vợ. Sau cùng là lời khẳng định khéo léo của ông lúc về già - “quả đúng như thế thật” - chút tự trào này không thể che giấu niềm tự hào về sự vươn lên ngoạn mục của ông trong thế giới.1

Vị cha già lập quốc Benjamin Franklin đang nháy mắt với chúng ta. Với George Washington, ngay cả bạn hữu của ông còn khó nghĩ tới việc thân mật đặt tay lên vai vị tướng nghiêm nghị ấy, thì chúng ta ngày nay hẳn sẽ còn thấy ông xa cách hơn nữa. Jefferson và Adams cũng có vẻ xa cách không kém.* Trong khi Ben Franklin, vị doanh nhân thành thị đầy tham vọng, cho phép người ta gọi ông bằng biệt danh, sống động như thể bằng xương thịt chứ không phải tạc bằng cẩm thạch đang dõi về phía chúng ta từ sân khấu của lịch sử với đôi mắt lấp lánh sau cặp mục kỉnh tân thời. Ông đối thoại với hậu thế qua những bức thư, những trò đùa và lối tự truyện, được viết với sự sôi nổi song không chút khoa trương và lối châm biếm dí dỏm hết sức hiện đại, đôi khi đến mức làm người đọc bực mình. Chúng ta thấy được hình bóng của ông trong chính thời đại ngày nay.

Trong suốt cuộc đời dài 84 năm, ông là nhà khoa học, nhà phát minh, nhà ngoại giao, nhà văn, nhà chiến lược kinh doanh xuất sắc nhất nước Mỹ, đồng thời là một trong những nhà tư tưởng chính trị thực tiễn nhất, dù không hẳn uyên bác nhất. Chỉ qua việc thả diều, ông chứng minh được bản chất của sét chính là dòng điện và phát minh ra cột thu lôi để chế ngự nó. Ông là người phát minh ra kính hai tròng, bếp lò sử dụng nguyên liệu sạch, các biểu đồ về Dòng Vịnh (Gulf Stream)* và các lý thuyết về tính truyền nhiễm của chứng cảm cúm thông thường. Ông khởi xướng nhiều phương án phát triển cộng đồng, như thư viện cho mượn sách, trường đại học cao đẳng, các nhóm cứu hỏa tình nguyện, hiệp hội bảo hiểm và các quỹ được gây dựng để tài trợ cho mục đích phù hợp. Ông là cha đẻ của phong cách hài hước chân phương có một không hai cùng chủ nghĩa thực dụng kiểu Mỹ. Trong chính sách đối ngoại, ông đề ra cách tiếp cận kết hợp thuyết lý tưởng với thuyết hiện thực cân bằng quyền lực. Và trong chính trị, ông đã đề xuất kế hoạch có ảnh hưởng lâu dài về việc hợp nhất các thuộc địa và lập ra mô hình liên bang cho một chính phủ quốc gia.

Song thứ thú vị nhất mà Franklin sáng tạo và liên tục sáng tạo ra chính là bản thân ông. Là nhà báo lớn đầu tiên của nước Mỹ, trong đời sống và trong các tác phẩm của mình, ông luôn có ý thức nỗ lực tạo lập một mẫu hình Mỹ kiểu mới. Trong quá trình đó, ông thận trọng xây dựng hình tượng, thể hiện nó trước công chúng và đánh bóng nó với hậu thế.

Một phần, đây là vấn đề hình ảnh. Khi còn là một thợ in trẻ ở Philadelphia, ông xuất hiện trong hình ảnh cần cù đẩy những súc giấy qua các ngả phố. Khi đã là một nhà ngoại giao lão luyện ở Pháp, ông đội chiếc mũ lông thú để đóng vai một nhà hiền triết chốn thâm sơn. Đâu đó, ông còn tạo cho mình hình ảnh một thương gia giản dị nhưng bền chí, cần mẫn rèn giũa các đức tính siêng năng, căn cơ, trung thực của một người chủ hiệu luôn sốt sắng với công tác thiện nguyện trong cộng đồng.

Có điều, hình ảnh mà ông tạo ra đều có nguồn gốc từ thực tế. Xuất thân và trưởng thành từ tầng lớp lao động, chí ít thì gần trọn cuộc đời Franklin đã sống gần gũi với các thợ thủ công và nhà tư tưởng hơn là giới trâm anh thế phiệt. Ông cũng dị ứng với thói xa hoa và những đặc quyền của giới quỹ tộc cha truyền con nối. Suốt đời, ông luôn tự gọi mình là “B. Franklin, thợ in.”

Thế giới quan này là cội nguồn cho tầm nhìn quan trọng nhất của Franklin: một bản sắc quốc gia Mỹ dựa trên đạo đức và các giá trị của tầng lớp trung lưu. Khác với một số nhà đồng lập quốc, ông vốn dĩ cởi mở hơn với nền dân chủ và cũng không nhiễm phải thói trưởng giả mà sau này những người chỉ trích ông vẫn thường cảm thấy trong chính các chuẩn mực chủ hiệu của ông, ông đặt niềm tin vào sự sáng suốt của người bình dân và cho rằng, một quốc gia non trẻ sẽ được tiếp sức mạnh từ tầng lớp mà ông gọi là “những người bình dân.” Qua những bí kíp tự trau dồi tu dưỡng bản thân và các kế hoạch phát triển cộng đồng để thúc đẩy phúc lợi chung, ông góp phần tạo ra và tôn vinh giai cấp thống trị mới: những công dân bình thường.

Mối tương quan phức tạp giữa các phương diện tính cách đa dạng của Franklin - trí tuệ thiên tài và táo bạo, đạo đức Tin lành thoát ly khỏi mọi giáo điều, các nguyên tắc phải giữ vững và các nguyên tắc có thể thỏa hiệp - đồng nghĩa với việc mỗi cách nhìn mới về ông phản chiếu và khúc xạ các giá trị quốc gia khác nhau. Ông đã bị phỉ báng trong các thời kỳ lãng mạn và tung hô trong thời đại kinh doanh. Mỗi thời đại lại nhận định về ông một khác và điều này cũng ít nhiều phản ánh về chính thời đại đó.

Franklin có sự đồng điệu đặc biệt với nước Mỹ thế kỷ 21. Là một nhà xuất bản thành công đồng thời giao thiệp rộng, cộng với tính tò mò sáng tạo, hẳn ông sẽ như cá gặp nước trong thời buổi cách mạng thông tin. Nỗ lực không mệt mỏi nhằm hòa nhập vào một chế độ trọng đãi nhân tài luôn vận động đi lên sẽ biến ông thành người được nhà phê bình xã hội David Brooks gọi là “Yuppie thế hệ đầu của chúng ta.”* Ai cũng có thể dễ dàng hình dung việc uống bia với ông khi tan làm, chỉ cho ông cách dùng thiết bị công nghệ tân tiến, chia sẻ kế hoạch làm ăn một thương vụ mới, thảo luận về những bê bối chính trị cũng như các ý tưởng chính sách gần đây. Ông sẽ cười khi nghe câu chuyện tiếu lâm mới nhất về một thầy tu và một giáo sĩ Do Thái, hay về một cô con gái nhà nông. Chúng ta sẽ ngưỡng mộ cả tính nghiêm túc lẫn sự trào lộng của ông và sẽ liên tưởng đến cách ông đã cố gắng để cân bằng, đôi khi không hề dễ dàng, giữa việc theo đuổi danh tiếng, sự giàu có - các giá trị trần tục - và các giá trị tinh thần.2

Một số người nhìn thấy hình bóng của Franklin trong xã hội hôm nay sẽ phiền lòng về sự nông cạn của tâm hồn và thói tự mãn về tôn giáo dường như đã ăn sâu vào một nền văn hóa coi trọng vật chất. Họ cho rằng ông chỉ dạy chúng ta sống một cuộc đời thực dụng gắn với đồng tiền, chứ không phải sống một cách sống cao cả. Một số người khác cũng nhìn thấy hình bóng đó và ngưỡng mộ các giá trị cơ bản của tầng lớp trung lưu và các tình cảm dân chủ mà hiện nay dường như đang phải chịu đựng sự công kích từ phía những kẻ mang tư tưởng ưu đẳng, những kẻ cực đoan, phản động và những phần tử quá khích khác của giai cấp tư sản. Họ coi Franklin là ví dụ điển hình của nhân cách con người và đạo đức công dân, vốn thường xuyên thiếu vắng ở nước Mỹ hiện đại.

Đa số sự ngưỡng mộ dành cho ông đều có căn cứ và một vài mối băn khoăn về ông cũng vậy. Song những bài học rút ra từ cuộc đời Franklin phức tạp hơn nhiều so với những gì vẫn được phe mến mộ hoặc ghét bỏ ông vẽ nên. Cả hai phe quá nhiều lần đánh đồng ông với người hành hương nhọc nhằn được ông miêu tả trong cuốn tự truyện. Họ nhầm lẫn giữa những câu châm ngôn đạo đức vui vẻ với đức tin căn bản thúc đẩy hành động của ông.

Giáo lý của ông được xây dựng trên niềm tin chân thành về một đời sống đức hạnh, phụng sự đất nước ông yêu và hy vọng sẽ được cứu rỗi nhờ làm việc phúc thiện. Điều đó đã dẫn dắt ông thực hiện việc gắn kết đạo đức cá nhân với đạo đức công dân. Và, dựa vào các bằng cứ ít ỏi nói về ý Chúa mà ông có thể thu thập được, ông ngờ hoặc về mối liên hệ giữa đức hạnh dưới trần thế và trên thiên đàng. Như ông đã viết trong khẩu hiệu của thư viện do ông sáng lập: “Nhân rộng cho phúc lợi lan tràn vì thiện ích chung là việc làm thiêng liêng.” So với những người cùng thời như Jonathan Edwards vẫn tin con người là các tội đồ trong bàn tay của một chúa Trời cuồng nộ và sự cứu rỗi chỉ có thể đến thông qua ân điển, quan điểm này của Benjamin có phần hơi tự mãn. Từ khía cạnh nào đó thì đúng là như vậy, thế nhưng nó cũng hết sức thành thật.

Dù quan điểm của bạn thế nào, việc đối thoại một lần nữa với Franklin cũng sẽ rất hữu ích vì khi làm như vậy chúng ta sẽ phải đối mặt với một vấn đề căn bản: làm thế nào để sống một cuộc đời có ích, đức hạnh, xứng đáng, hợp luân lý và có ý nghĩa về tâm linh? Và về vấn đề này, thuộc tính nào kể trên là quan trọng nhất? Đây là những vấn đề có tính chất sống còn trong kỷ nguyên tự mãn cũng như kỷ nguyên cách mạng.

Mời các bạn đón đọc Benjamin Franklin - Cuộc Đời Một Người Mỹ của tác giả Walter Isaacson & Trần Khánh Duy (dịch).