Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Nói Luôn Cho Nó Vuông

Sau thành công rực rỡ của Cư xử như đàn bà suy nghĩ như đàn ông, Steve Harvey - tác giả thông thái kiêm ngôi sao hài kịch đã cho ra đời thêm một cuốn sách nữa. Nói luôn cho nó vuông làm sáng tỏ câu hỏi từng khiến nhiều phụ nữ đau đầu: "Rốt cuộc trong các mối quan hệ, đàn ông thực sự nghĩ gì?"

Cách viết nhẹ nhàng của đã giúp cuốn sách thoát khỏi sự nhàm chán của những lời khuyên khô khan. Nhiều khả năng, độc giả sẽ có cảm giác như đang ngồi trước một chương trình truyền hình trực tiếp, lắng nghe, đặt câu hỏi với Steve rồi gật gù trước những câu trả lời. Chẳng có người đàn ông nào hoàn hảo nhưng chúng ta buộc phải thừa nhận rằng, rất có thể hành trình tìm kiếm, thấu hiểu và giữ chân người đàn ông của cuộc đời mình sẽ trở nên dễ dàng và thú vị hơn!

***

ĐƠN GIẢN QUÁ HÓA PHỨC TẠP

Xưa, tôi có xem một chương trình hình như Giọng hát Việt hay gì đấy kiểu thi thố về ca hát. Tôi nhớ một buổi thi giám khảo Thanh Lam đã phê bình cô ca sĩ nọ vì chọn bài hát không đúng tuổi. Tôi không nhớ chính xác từ Diva dùng là gì nhưng tôi hiểu ý là bài hát quá dừ với người thi, dù cô thể hiện nó không tệ. Thế là cô thí sinh này đốp chát lại, tôi cũng không nhớ nguyên văn, đại ý là ca khúc được sáng tác không giới hạn độ tuổi người hát.

Lúc ấy tôi nghĩ giám khảo không sai mà thí sinh cũng chẳng đúng.

Âm nhạc thế mà văn chương cũng vậy.

Chỉ cần biết chữ và muốn, ai cũng có thể đọc Nói luôn cho nó vuông. Thế nhưng tôi nghĩ nó dành cho đối tượng độc giả nữ phải có ít nhiều trải nghiệm với người khác phái. Tất nhiên bạn dễ dàng có được suy luận này của tôi bằng cách đọc lời giới thiệu nhưng tin tôi đi, vì tôi là phụ nữ đã kết hôn vừa tiếp xúc Steve Harvey.

Những quyển sách khác, nếu không hợp với độ tuổi, kiến thức hay trải nghiệm… thì ít nhiều bạn cũng sẽ thu lượm được gì đó, không cái này thì cũng cái kia. Còn Nói luôn cho nó vuông với những hiểu biết về bản chất đàn ông sẽ dễ là sáo rỗng, nếu bạn chưa nếm qua họ.

*

Một, ít khi nào tôi thấy sự ngắn gọn mà súc tích lại phát huy hiệu quả cao như trong câu trả lời của Steve Harvey với khán giả:

Điều gì khiến đàn ông hạnh phúc?

Steve Harvey trả lời: Bánh quy.

Đơn giản. Hiển nhiên. Luôn luôn. Hài hước. Nghiêm túc. Mọi sắc thái này đều được gợi lên bởi tên gọi nghe vào rất ngọt tai kia.

Bánh quy là gì? Là một thuật ngữ của tác giả. Tôi không định giải thích nghĩa của nó vì có thể các bạn đã biết, còn nếu chưa, hãy để đầu óc của bạn bay lượn. Tôi định nói là tôi khá sốc. Anh bạn của tôi bảo rằng, khi đàn ông đối diện phụ nữ, điều họ nghĩ đến đầu tiên là hình ảnh cô ấy xoay quanh cái giường. Hai quan điểm này là một đi. Nhưng với anh bạn, tôi cho rằng đó là quan điểm của cá nhân anh ấy. Còn với Harvey, tôi có cảm giác quan điểm này bị đánh đồng cho hầu hết đàn ông, thậm chí với tác giả thì tuyệt đối là tất cả họ.

Lại nói về giọng điệu của tác giả khi nâng quan điểm từ cá nhân ông lên số đông. Thường, tôi không thích cái gì tuyệt đối cả, và tôi tin là không có gì tuyệt đối hết. Nhưng Harvey hết lần này đến lần khác làm tôi không có thiện cảm. Ông thường xuyên khẳng định bản chất nọ kia của đàn ông không dừng ở số đông mà là tất cả. Tôi không nghi ngờ gì lời của một người đàn ông nói về suy nghĩ, quan điểm, bản chất… của chính đàn ông. Đó như thể họ phơi nội tâm mình trên bàn giải phẫu mà pháp y không ai khác ngoài họ. Còn gì chân thật hơn thế?

Nhưng tôi vẫn cứ không tin ở giá trị tuyệt đối mà tác giả thường nhấn mạnh.

*

Hai, tôi nghĩ mình đến với Steve Harvey hơi trễ, tuy rằng nếu có sớm hơn thì cũng chưa chắc đúng thời điểm nữa.

Không có đứa trẻ nào phải lớn lên mà không có một người cha trong gia đình, và một phần thiên tính trong bản năng người mẹ của bạn là muốn con cái mình được sống trong một gia đình nguyên vẹn nếu đây là sự lựa chọn sau cùng. Điều này thật đáng giá. Nhưng có đáng chăng khi đứa con của bạn thấy mẹ nó lúc nào cũng sống trong khổ sở? Ai sẽ được lợi nếu bạn tất bật với công việc nấu nướng, dọn dẹp, nuôi dạy con, và chỉ nhận lại những đau khổ và thất vọng, chứ không phải những gì bạn muốn và cần? Liệu có tốt cho tất cả nếu con bạn không biết đến yêu thương và lòng kính trọng là gì? Tôi thậm chí còn nghe phụ nữ nói rằng vì lợi ích của con cái, họ đơn giản sẽ chỉ chịu đựng cuộc sống chung được thu xếp ấy cho đến khi bọn trẻ tốt nghiệp, sau đó thì họ sẽ ra đi. Hạnh phúc mà phải chờ đợi như thế thì lâu quá.

Nhiệt thành tán đồng quan điểm trên của ông!

Tôi không chê trách gì quyết định của những ông bố bà mẹ ở vào hoàn cảnh này. Đó là cuộc sống của họ và tôi hay bất cứ ai cũng đều không có quyền phán xét. Nhưng nếu là họ, tôi không nghĩ mình đủ kiên trì với một gia đình như thế, và ngược lại, một gia đình như thế không đáng để tôi hy sinh.

Tình thương mà chúng ta thường cho rằng sẽ bị thiếu hụt nếu vắng bóng người cha trong gia đình có thể được bù đắp bằng nhiều cách thức lạc quan và hiện đại, cho dù vợ chồng có không còn đầu gối tay ấp. Nhưng chẳng gì có thể hâm nóng tình cảm hai trái tim đã nguội lạnh, kể cả những nụ cười tràn ra khóe mắt của con cái. Mà tôi thì cho rằng, hạnh phúc gia đình chỉ được xem là chân thật khi vợ chồng cảm thấy hạnh phúc vì có người kia ở bên (không phải lấy hạnh phúc của con cái thay vào, đó là lấp liếm).

Vì vợ chồng là khởi nguyên của gia đình.

Thử nghĩ mà xem, nếu vợ chồng tôi vui vẻ với nhau nhưng con cái lại không ngoan ngoãn thì có dễ sống hơn là con cái vui vẻ (?) nhưng vợ chồng tôi lại hục hặc lẫn nhau? Thật thì cũng khó đưa ra đánh giá đấy nhưng may thay chúng tôi dễ buồn vu vơ mà cũng chóng vui với những điều vụn vặt.

*

Ba, có ngược đời không khi tôi chưa đọc Cư xử như đàn bà, suy nghĩ như đàn ông nhưng đã đến với Nói luôn cho nó vuông? Cũng chẳng ai bắt tôi phải đọc quyển thứ nhất của ông trước mà, phải không? Nhờ thế tôi đã không chán ngấy mỗi khi Harvey nhắc đến tựa sách Cư xử như đàn bà, suy nghĩ như đàn ông suốt cuốn Nói luôn cho nó vuông. Chỉ là tôi biết ông đã lặp ý ít nhiều so với cuốn trước.

Tự nhiên tôi nhớ đến Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương. Trong quyển này, Sara Imas đã lặp ý rất rất nhiều giữa các phần. Đành rằng nhắc đi nhắc lại thế cũng có tác dụng giúp độc giả ghi nhớ ít nhiều nhưng cũng đồng thời khiến quyển sách dày hơn mức cần thiết. Và Nói luôn cho nó vuông như chính tên của nó, hẳn chỉ là bổ khuyết của Cư xử như đàn bà, suy nghĩ như đàn ông?

*

Tóm lại, quyển sách giúp bé gái, cô gái, người đàn bà(1) hiểu hơn về nửa kia (chưa tìm được hoặc tìm được rồi hoặc đã mất). Còn tôi, đọc xong chẳng hiểu thêm được mấy tí ngoài kinh nghiệm đã có: Đàn bà phức tạp nên khó hiểu thì cũng chịu đi. Đàn ông đơn giản thế mà cũng chả dễ hiểu đâu mấy mẹ ạ, bằng không, người ta xuất bản sách viết về họ làm quái gì.

____

(1) Bé gái, cô gái, người đàn bà: Tên một tác phẩm của T. M. Koxtưgova, R. I. Rakitina với nội dung về sự phát triển tâm sinh lý và thể chất từ khi bé gái mới sinh đến lúc là cô gái, là người đàn bà.

***

Review sách: Nói luôn cho nó vuông - Steve Harvey

Giáng sinh Gấu ko đi chơi ở nhà đọc sách viết review cho các bạn nà ????????

Đây là quyển thứ 2 của Steve Harvey mà mình đọc rồi vì thấy khá thích lối viết của ông ý trong Cử xử như đàn bà Suy nghĩ như đàn ông. Cách viết ở quyển này vẫn ko đổi, vẫn là những mẩu chuyện nhỏ ví dụ trong đời sống để ta thấy được những điều mà có thể chúng ta đều đã gặp, đều đã thấy nhưng chưa thể nói ra thành lời hoặc 2 giới ko thực sự chia sẻ với nhau do những sự khác biệt về giới tính. Thêm vào đấy thì mình thích cách viết của Steve ở 2 điểm: hài hước và rất tôn trọng phụ nữ. Sách của ông có 1 phần nội dung chỉ ra cái sai của phái nữ, đôi lúc nêu ra thói xấu của phái nữ nhưng lại rất nhẹ nhàng, ko tạo ra cảm giác chối bỏ và tự vệ khi bị nói xấu.

Nội dung của cuốn này về 1 vài khía cạnh nào đó thì hay và thực tế hơn cuốn trước. Nếu như ở Cư xử như đàn bà Suy nghĩ như đàn ông nói về những gì cô gái cần biết và cần làm để có thể chọn đc người đàn ông tốt, giữ được hôn nhân hạnh phúc, nghĩa là hướng về hôn nhân nhiều hơn thì Nói luôn cho nó vuông có vẻ hướng về phụ nữ trẻ nhiều hơn. Mình thấy thế vì trong sách đề cập tới cả những mối quan hệ và những khái niệm mới mẻ đang dần trở nên phổ biến gần đây như ONS, FWB hay Sugar daddy và sugar baby. 1 Điều mình khá bất ngờ khi đọc sách của ông là tuy trông ông có vẻ ko đc đứng đắn cho lắm (maybe vì dáng vẻ, vì bộ râu, và vì ông đã ly hôn 2 lần) nhưng thật sự ông là người rất tôn trọng phụ nữ và đề cao người phụ nữ truyền thống (mình cảm nhận thế). Ông khuyên các cô gái phải cẩn thận với những thằng ctrai đầy kĩ năng trực chờ ở ngoài để lừa bạn cho chúng ăn bánh quy. Ông chỉ thẳng ra bản chất thật sự của mấy mối quan hệ toxic trên khi mà xã hội bh giường như đang có vẻ che bớt đi sự xấu xí của chúng và vẽ ra những cái tên, những định nghĩa bắt tai cho chúng. Câu mình thích nhất trong chương nói về cái này là "Not all daddies are always sweet as sugar" :)).

Đó là phần mà mình thích nhất nên là nhớ nhất, ngoài ra sách còn viết về suy nghĩ và tư duy về yêu đương của đàn ông ở các độ tuổi, được viết ra bởi 1 người đã trải qua hầu hết các nấc thang trong cuộc đời nên cũng khá thú vị. Thêm vào đấy thì phần ko thể thiếu trong sách của Steve đó là nhắc lại những điều các cô gái luôn biết nhưng nhiều khi (cố tính hoặc vô tình) quên (hoặc ko thèm để tâm tới) trong khi lại thật sự cần nhớ.

Nói chung đây là 1 cuốn sách khá ổn về tâm lý mà ko bị học thuật quá, ko bị sáo rỗng quá (vì thật sự mình thấy khá đúng) mà lại đủ vui để giải trí. Bạn nào mùa đông này mà chưa có gấu để đi chơi có thể nằm nhà đọc sách này thẩm thấu để ủ mưu năm mới có ny nha ????????????????
Score: 9/10

Mời các bạn đón đọc Nói Luôn Cho Nó Vuông của tác giả Steve Harvey.