Tác giả: Kazumi Yumoto
Thể loại: Tiểu thuyết, Sách thiếu nhi, Văn học Nhật bản
Công ty phát hành: Nhã Nam
Nhà xuất bản: NXB Văn Học
Trọng lượng vận chuyển (gram): 220
Kích thước: 12 x 20 cm
Dịch Giả: Nguyễn Thanh Hà
Số trang: 232
Ngày xuất bản: 03-2014
Hình thức: Bìa Mềm
Giá bìa: 50.000 ₫
Nguồn: Romance Book
Ebook: Đào Tiểu Vũ eBook - www.dtv-ebook.com
Giới thiệu:
Chắc rằng nhiều người trong chúng ta đã trải qua một tuổi thơ với đầy những thắc mắc mà người lớn luôn bảo rằng "Khi lớn lên con sẽ hiểu," hoặc họ sẽ nói đại khái một điều gì đấy mà chúng ta chẳng kịp nhớ và hiểu. Ba cậu học sinh lớp 6 (học sinh cuối cấp ở một trường tiểu học Nhật Bản) cũng có những thắc mắc về cuộc sống, về những điều mà có khi sống gần trọn cuộc đời người ta vẫn chưa hiểu nổi. Bọn nhóc cứ mãi loay hoay suy nghĩ: Chết thực ra là như thế nào và liệu có thế giới dành riêng cho người chết không?
Bị ám ảnh bởi những hồn ma và cuộc sống sau cái chết của bà một người bạn, ba đứa trẻ lên kế hoạch làm thám tử, theo dõi một cụ già sống trong một căn nhà tồi tàn, biệt lập nơi cuối phố mà chúng cho là cụ có thể là đã chết hoặc ít ra cũng sắp chết. Kế hoạch thất bại. Nhưng nhờ thế mà chúng lại có người bạn mới - một người bạn lớn thực sự và cùng chúng tạo ra mùa hè không thể quên. Họ - một người già cùng với ba đứa trẻ đã cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn về con người, về cuộc sống xung quanh, về những sinh hoạt bình dị thường nhật theo đúng tâm hồn, tính cách Nhật, vừa thơ bé vừa già dặn.
Câu chuyện, theo đúng như tựa đề, Khu Vườn Mùa Hạ, bắt đầu vào cuối mùa xuân và đầu mùa hạ, xoay quanh tình bạn kì lạ giữa bộ ba học trò và cụ già cuối phố. Wakabe, sống chung với mẹ trong chung cư và luôn khao khát một người bố, là một cậu bé khá kích động và hơi kì dị. Yamashita mập mạp nhưng tốt bụng, hiền lành, là con của một ông chủ tiệm cá và luôn mong muốn lớn lên như cha mình - trở thành một người chủ tiệm cá, dù mẹ cậu chẳng mấy ủng hộ. Nhân vật tôi, Kiyama, lại sống trong một gia đình khá phức tạp, bố cậu cứ mãi đi làm và mẹ cậu bé thì suốt ngày chìm ngập trong thuốc lá, rượu chè nhằm trốn tránh thực tại. Và một ông cụ không tên, gầy đét, đầu hói, thường mặc áo sơ mi màu nâu, đeo thắt lưng to để có thể mặc được cái quần rộng lùng thùng màu xám tro, đi giày thể thao giống học sinh tiểu học. Cụ sống tách biệt với mọi người, chẳng nói chuyện với ai và dường như cũng chẳng ai buồn nói chuyện với cụ.
Câu chuyện được kể một cách rõ ràng, yên tĩnh. Từ trò chơi thám tử, bọn nhóc vô tình bước vào cuộc sống của ông cụ lúc nào không hay. Và ông cụ cũng chính là người giúp bọn trẻ hiểu được những thắc mắc của mình. Các cậu bé giúp ông cụ đổ rác, sửa nhà, trồng hoa, giặt và phơi quần áo… Bù lại chúng được ông cụ dạy gọt lê, viết chữ Hán, và trên hết chúng hiểu được rằng việc già đi, lưng còng xuống, mặt nhiều nếp nhăn cũng mang nhiều ý nghĩa.
Bọn nhóc đã trưởng thành từng ngày. Kiyama, từ một đứa lúc nào cũng nghĩ mình hơi yếu thật nay đã dám đương đầu đánh nhau với một đứa trẻ khác để bảo vệ bạn mình, ngăn cản mẹ không uống rượu và tự tay gọt những trái lê ngọt ngào nhất cho mẹ. Yamashita đã không còn cảm thấy mặc cảm về thân hình quá khổ của mình, không còn cảm thấy tự ti về ước mơ trở thành ông chủ cửa hàng bán cá nữa. Wakabe đã có thể nói thật với mọi người về cha mình, không phải là một người lính cứu hỏa hay một thám tử như cậu hay kể… mà là ông ấy đã có một gia đình và những đứa con khác.
Mỗi cậu bé có một tính cách, hoàn cảnh khác nhau nhưng qua mùa hè ấy, bọn nhóc đã thay đổi và có những bài học cho bản thân mình. Đó có thể là việc chấp nhận một người khác, một sở thích trái ý mình, đó có thể là sự dũng cảm vùng dậy hay định đoạt một ước mơ, hay chí ít là cũng có thể là đi tiểu một mình trong đêm.
Ông cụ cũng đã thay đổi. Từ chỗ chỉ ngồi nhà xem tivi, ăn những thức ăn nhanh, ông đã cùng bọn trẻ dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, đi chợ mua thực phẩm tươi bổ sung. Thời gian ông cụ, nhân vật đi suốt chiều dài câu chuyện không hề được nêu tên ấy, thực - sự - sống cũng chỉ ngắn ngủi như thời khắc bông pháo hoa bung xòe trên bầu trời mùa hạ, nhưng nó đủ sức làm bừng sáng cả câu chuyện. Ông cụ giống như những bông cúc cánh bướm nở trái mùa, dù thân cây có ngắn hơn, mảnh dẻ hơn nhưng vẫn vượt qua gió bão để trổ cành đâm lá.
Kết thúc câu chuyện, khi mùa hạ đi qua nhường chỗ cho mùa thu, khi khu vườn ngập tràn những cánh hoa, ông cụ đi xa mãi mãi thì bọn trẻ cũng không gặp nhau nữa. Nhưng cả bốn đều không tiếc nuối, vì ai cũng tìm thấy một nơi để neo đậu trong cuộc đời mình. Bọn trẻ đã hiểu thế nào là cái chết, điều mà chúng đã cố tìm hiểu trước đây, đồng thời lần đầu tiên cả đám thấm thía nỗi buồn khi mất đi người thân. Bọn trẻ đã không còn thấy sợ hãi về thế giới bên kia nữa vì trong thế giới đó có người quen của bọn trẻ ở đó, và điều đó chẳng phải là động viên tụi nó hay sao?
Cuộc sống này còn nhiều niềm vui đang chờ đón ta từng ngày, đơn giản chỉ như việc chờ đợi một bông hoa nở, xem pháo hoa nở giữa bầu trời mùa hạ, kể hàng tá câu chuyện không đầu không đuôi với một người sẵn lòng lắng nghe mình. Cuộc sống dù ngắn ngủi nhưng nếu ta biết tận dụng nó thì nhất định ta sẽ hạnh phúc
Cuốn sách có vẻ như là dành cho con nít khi viết về những cậu học sinh, thế nhưng cuốn sách cũng có những suy nghĩ rất người lớn. Đây không phải là cuốn sách dành cho trẻ con, cũng không phải là dành cho người lớn, mà nó là cuốn sách dành cho mùa hè. Truyện không ủy mị, gai góc, nội dung đơn giản những lại không hề dễ đọc, có lẽ là do cách diễn đạt của người Nhật. Những trang viết luôn bừng lên những cảm xúc đẹp đẽ, lạ lẫm của từng nhân vật, có những lập dị nhưng đáng yêu vô cùng, có những ngẫm nghĩ trẻ thơ nhưng chẳng hề ngây ngô.
Những tưởng mùa hè năm lớp Sáu sẽ trôi đi trong êm ả, Kiyama, Yamashita và Wakabe đều không ngờ chúng đang đứng trước ngưỡng của cuộc đời. Cuộc gặp gỡ với "ông cụ", người suốt câu chuyện không hề được nêu tên, đã đem đến cho ba đứa trẻ một tình bạn kỳ lạ. Có lẽ, đó là lần đầu tiên chúng kết bạn với người lớn, và đó là một mối quan hệ bình đẳng theo đúng nghĩa. Ba đứa giúp ông sửa nhà, chăm sóc vườn hoa, giặt và phơi quần áo… bù lại chúng được ông dạy gọt lê, dạy học chữ Hán, và trên hết, chúng học được rằng việc già đi, lưng còng xuống, mặt nhiều nếp nhăn cũng mang ý nghĩa. Ba đứa trẻ dần phải tự đối mặt với những thắc mắc của chính bản thân chúng về cuộc sống, những điều mà, có khi sống gần trọn cuộc đời người ta vẫn chưa hiểu nổi.
Tác giả Kazumi Yumoto
Kazumi Yumoto sinh năm 1959 tại Tokyo. Cô theo học khoa sáng tác tại Đại học Âm nhạc Tokyo. Trong khoảng thời gian đó, cô từng viết lời cho các vở opera, kịch nói trên sóng phát thanh và truyền hình. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của của Kazumi - Khu vườn mùa hạ (Natsu no niwa) xuất bản lần đầu năm 1992 đã nhanh chóng giành được thành công ở trong và ngoài nước. Tác phẩm tiếp theo của cô - Mùa thu của cây dương (Popura no Aki) cũng nhận được rất nhiều chú ý từ dư luận, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Mời các bạn đón đọc Khu vườn mùa hạ của tác giả Kazumi Yumoto.