Tây Du Ký là bộ tiểu thuyết mang tính chất thần thoại và truyền thuyết dân gian Trung Quốc của nhà văn Ngô Thừa Ân, vào khoảng năm Gia Tĩnh, Vạn Lịch giữa đời Minh. Nhiều nhân vật như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới….. đã đi vào cuộc sống quần chúng và trở thành biểu tượng cho các loại người. Cho đến nay Tây Du Ký đã được dịch ra nhiều thứ tiếng: Nga, Anh, Nhật,… Đặc biệt ở vùng Đông Nam Á, Tây Du Ký được quần chúng rất ưa thích.
Tây Du Ký vốn bắt nguồn từ một câu chuyện có thật: nhà sư trẻ đời Đường Thái Tông là Trần Huyền Trang năm 21 tuổi đã một mình sang Ấn Độ tìm thầy học đạo. Ông ra đi năm 629 đến năm 645 mới về, tổng cộng mất 17 năm. Đường đi trên 5 vạn dặm, qua 128 nước lớn nhỏ, đi, về mất 4 năm, ở lại Ấn Độ tìm thầy học đạo 13 năm, đặc biệt lưu học những 6 năm ở chùa Na Lan Đà vốn là trung tâm Phật học thời bấy giờ. Khi về nước ông phải cùng 24 ngựa tải, mang theo 657 bộ kinh phật, 150 Xá lợi tử (linh Cốt Phật), 6 tượng Phật. Ông để ra 19 năm trời, dịch được 75 bộ kinh Phật cho đến khi mất. Ông còn để lại một bộ Đại Đường Tây vực ký 12 quyển, ghi chép đầy đủ lịch sử, địa lý, phong tục tập quán của 128 nước mà ông đã đi qua. Khi ông mất có đến 1 triệu người đưa tang và 3 vạn Phật tử dựng lều cử tang gần phần mộ ông.
Tây Du Ký kể chuyện Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa hoà thượng phò Đường Tăng sang phương Tây. Đường đi gặp biết bao gian nan trắc trở, tổng cộng 81 nạn, cuối cùng đến được xứ sở của Phật tổ, mang kinh Phật truyền bá về phương Đông. Cốt truyện có thể tóm tắt như sau: - Từ hồi 1 đến hồi 7: Tác giả giới thiệu lai lịch Tôn Ngộ Không. Đó là một con khỉ do một hòn đá tiên hoá thành. Từ nhỏ y đã thông minh, lanh lợi, dũng cảm được đàn khỉ tôn làm vua. Sau đó y tìm thầy học đạo, học được 72 phép biến hoá thần thông. Y náo động long cung, bắt Long Vương nộp gậy thần để làm vũ khí, rồi náo động âm ti, xoá tên họ loài khỉ trong sổ tử để hưởng trường sinh. Long vương và Diêm vương kiên lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng nổi giận sai thiên binh thiên tướng đánh bắt nhưng không được, bèn theo kế chiêu an phong cho Tôn Ngộ Không chức quan giữ ngựa trên thiên đình để giữ chân y, nhưng chẳng bao lâu biết bị lừa, y lại náo loạn thiên cung đòi cho được chức Tề Thiên Đại Thánh. Ngọc Hoàng thượng đế phải nghe theo. Nhưng rồi tính khí vẫn ngang ngạnh như xưa. Các thần mở tiệc đào tiên mà không mời y, y phá tan tiệc rồi trốn về đảo khỉ. Thượng đế sai cháu mình là Nhị Lang Thần mang " kính chiếu yêu" đuổi bắt mới được, đem xử trảm nhưng dao chém không đứt, phải bỏ vào lò bát quái cung 49 ngày đêm cũng không chảy, cuối cùng y phá ra được. Y lại loạn đả thiên cung, đánh cho thiên binh, thiên tướng tả tơi. Thượng đế vời Phật tổ Như Lai dùng pháp thuật mới bắt được, đem giam dưới núi Ngũ Hành 500 năm - Từ hồi 8 đến hồi 12: Giải thích nguyên do việc đi thỉnh kinh, giới thiệu lai lịch Huyền Trang và các đệ tử như: Tôn Ngộ không, Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tĩnh, con rồng trắng _ đó là con trai của Long Vương. - Từ hồi 13 đến hồi 98: Thuật lại quá trình đi thỉnh kinh. Năm thầy trò vượt qua tất cả 81 nạn, đến xứ sở Phật tìm thầy học đạo. -Từ hồi 99 đến hồi 100: Kể lại quá trình thắng lợi trở về. Năm thầy trò được rất nhiều phật, được bệ kiến Phật tổ. Phật tổ ban thưởng rất hậu rồi dùng phép đưa họ " cưỡi mây " trở về Trung Quốc. Đường Thái Tông cùng tăng ni phật tử và dân chúng ra đón tiếp rất trọng thể. Họ bàn giao kinh Phật rồi theo lệnh phật tổ " cưỡi mây " trở lại xứ phật. Tuỳ theo công trạng, Đường Tăng được ban tước Đăng công đứt Phật, Tôn Ngộ Không được cỡi mũ kim ô và được ban tước Đấu chiến thắng Phật, các đồ đệ khác đều được ban thưởng. Họ ở lại xứ Phật hưởng phúc muôn đời.
***
“Tây Du Ký”, tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân, một pho tiểu thuyết kiệt xuất trong văn học Trung Quốc, dài một trăm hồi, chia làm 3 tập.
Bộ tiểu thuyết này dịch theo bản chữ Trung Quốc do “Tác giả xuất bản xã Bắc Kinh” ấn hành năm 1957. Những tài liệu bàn về chủ đề và nhân vật Tây Du Ký, nhận định về giá trị bộ tiểu thuyết này của các nhà văn và nhà phê bình Trung Quốc do Bộ Biên tập Nhà xuất bản Nhân dân văn học Bắc Kinh ấn hành.
Với bản dịch này, trong tình hình hiện tại, chúng tôi cũng chỉ dám coi là một tài liệu công phu để giúp hạn đọc tham khảo, bởi vì theo chúng tôi nó vẫn còn nhiều chỗ cần bàn.
Tranh bìa và tranh minh họa, chúng tôi chụp lại trong những tập sách tranh vẽ truyện Tây Du của Nhà xuất bản “Nhân dân Mỹ thuật Thượng Hải” ấn hành năm 1956.
Trong quá trình tuyển chọn một bản dịch thật hoàn hảo, lần in này chúng tôi xin giới thiệu bản dịch của Thụy Đình do nhà nghiên cứu Chu Thiên hiệu đính.
Chúng tôi rất mong được sự đóng góp của bạn đọc.
NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC
Mời các bạn đón đọc Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân & Thụy Đình (dịch).