Một phụ nữ lao ra khỏi phòng quán trọ Hoa Diên Vỹ chửi rủa. Tiếp theo sau là một người đàn ông với tiếng quát lạnh lùng: “Câm mồm đi, con đĩ!”. Tiếng quát đó đã mê hoặc Mari, cô con gái bà chủ đang trực quầy lễ tân. Rồi cô đi theo người đàn ông, để trái tim cùng cơ thể mình lạc lối trong một mối quan hệ nảy sinh từ tình cảm chân thực, nhưng cũng từ những ham muốn và rung động thầm kín nhất, đáng xấu hổ, nơi nền tảng là sự thống trị và phục tùng mỏng manh, yếu đuối, Mari cố gắng tìm hiểu điều gì ở người đàn ông đã hấp dẫn cô: “Thân thể tôi khi phục tùng dịch giả càng khó coi càng tốt. Như thế tôi sẽ có thể cảm giác được mình thảm hại đến đâu. Một cảm giác thoải mái trong sáng trào dâng trong lòng tôi vào cái lúc tôi biến thành một đống thịt bị hành hạ.”
Quán trọ Hoa Diên Vỹ không phải là một tiểu thuyết về đề tài bạo dâm. Lối viết sáng suốt của Yoko Ogawa, một trong những nhà văn Nhật đáng chú ý nhất hiện nay, đã đưa câu chuyện vượt lên trên giới hạn của sự dung tục, tầm thường, và hơn thế nữa, trở thành một cuốn tiểu thuyết đặc biệt khó quên, với đầy đủ những nét đặc trưng trong bút pháp tinh tế mà người ta chỉ có thể tìm thấy ở Yoko Ogawa.
***
Sinh năm 1962 tại tỉnh Okayama, thuở nhỏ, Ogawa say mê văn học thiếu nhi thế giới. Trong một cuộc phỏng vấn, bà từng nhắc tới các tác phẩm Không gia đình, Pippi tất dài, Ann ở Green Gables v.v. như những trước tác mà bà yêu thích nhất. Lên trung học, cuộc gặp gỡ tình cờ với Nhật ký Ann Frank đã mang lại cho Yoko một nhận thức hoàn toàn mới lạ đối với văn chương: biểu đạt thành lời nội tâm của bản thân chính là một dạng thức tự do mà con người có được. Đây có lẽ là tác phẩm có ảnh hưởng sâu nặng nhất đối với lối viết đi sâu vào những diễn biến tâm lý tinh tế của con người mà Ogawa không ngừng theo đuổi sau này. “Tôi đưa ra hết, tôi viết hết,” nhà văn đã từng nói. “Khi cuốn sách kết thúc thì không còn gì nữa, không còn gì hết”.
Năm 1986, Ogawa bắt đầu viết tiểu thuyết, sau khi thôi công việc thư ký để kết hôn với một kỹ sư của một hãng luyện thép. Các tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp của bà gồm: Khi con bướm gãy cánh (giải thưởng Kaien), Nhật ký mang thai (giải Akutagawa), Giáo sư và công thức toán (giải Yomiuri), Mai táng Brahman (giải Izumi), Cuộc diễu hành của Meena (giải Tanizaki), Tình yêu bên lề, Quán trọ Hoa Diên Vỹ…Trong số các tác phẩm của Yoko Ogawa, Giáo sư và công thức toán hẳn là tiểu thuyết nồng hậu và gây xúc động nhất. Sau đó, tiểu thuyết được chuyển thể thành phim và công chiếu rộng rãi vào năm 2006.
Thông Tin Giải Thưởng
* 1988: Giải Kaien cho tác phẩm đầu tay, Sự phân hủy của bướm (Disintegration of the butterfly, Agehacho ga kowareru toki, 揚羽蝶が壊れる時)
* 1990 Giải Akutagawa cho Nhật ký mang thai (Pregnancy Calendar, Ninshin karendaa, 妊娠 カレンダー)
* 2004 Giải Yomiuri cho Giáo sư và công thức toán (The Professor and his Beloved Equation, Hakase no aishita sushiki, 博士の愛した数式; dịch sang tiếng Anh với tên The Gift of Numbers)
* 2004 Giải Izumi Prize cho Tang lễ của Brahman (Burafuman no maisō, ブラフマンの埋葬)
* 2006 Giải Tanizaki cho Cuộc diễu hành của Meena (Meena's March, Mīna no kōshin, ミーナの行進)
Những tác phẩm của Yoko Ogawa
- Cuộc diễu hành của Meena (giải Tanizaki) - Giáo sư và công thức toán - xuất bản 2009 (giải Yomiuri) - Quán trọ hoa diên vỹ - Mai táng Brahman (giải Izumi) - Nhật ký mang thai (giải Akutagawa) - Khi con bướm gãy cánh (giải thưởng Kaien)
***
Trước khi đọc Quán trọ Hoa Diên Vỹ, mình đã đọc một câu chuyện khác, cũng của Yoko Ogawa: “Giáo sư và công thức toán”. Nói thật, lúc đầu mình hơi bất ngờ tẹo, tại mình không nghĩ người mang toán học vào văn chương một cách tinh tế có thể viết một câu chuyện trần trụi đến thế như đã làm trong Quán trọ Hoa Diên Vỹ. Dĩ nhiên, chỉ sau chừng tầm chục trang, mình đã tìm lại được bầu không khí quen thuộc.
Nếu như Kazumi Yumoto nổi tiếng với seri 3 mùa, chuyên viết về những hồi ức trẻ thơ, Banana nổi tiếng với cách xây dựng hình mẫu gia đình kì quặc đầy thương tổn, hơi hướng khó hiểu kiểu Murakami thì Yoko Ogawa mang ta đến với những mảng màu trần trụi, nhưng cũng hết sức bình thường kiểu Nhật. Ừ, nếu bạn đọc một cuốn sách kể về những chuyện rất đỗi bình thường, phảng phất một gam màu trầm buồn, thêm chút băn khoăn khó hiểu khi gập trang cuối cùng của cuốn sách thì ắt hẳn đó là một câu truyện Nhật.
Trở lại với cuốn sách, khi đọc nó mình vẫn luôn tự hỏi rằng họ có thực sự yêu nhau không? Khi mà khoảng cách giữa 2 người là 50 tuổi, và thứ gắn kết họ đơn thuần chỉ là sự cô đơn. Cô đơn của cô bé Mari chính là việc giam mình trong quán trọ Hoa Diên Vỹ, hàng ngày búi tóc bằng dầu trà, cam chịu trao tự do của mình cho người mẹ. Cô khao khát một người bố đúng nghĩa, người đã trao cho cô cơ hội được lựa chọn niềm vui khi cô còn 8 tuổi. Cô đơn với dịch giả đáng kính xuất phát từ nỗi đau mất vợ, từ niềm ăn năn đối với người cháu, và cả những cuộc bạo dâm. Cô đơn còn xuất phát từ việc dịch những thứ chán òm trong cuộc sống, suốt ngày vùi đầu trong từ điển. Hẳn là lúc ông đăng tin tìm người học tiếng Nga, điều ông thất vọng không phải không ai học, mà bởi ông đã không còn ai để trò chuyện, để bầu bạn.
Mọi thứ chỉ thay đổi khi ông dịch Marie, khi đó, ông gặp Mari.
Du thuyền trở lại trong tiếng còi rú. Bọn hải âu đậu trên cầu tàu đồng loạt bay lên. Dây xích chỗ cửa lên tàu được tháo xuống, phòng chờ vẳng tiếng phát thanh viên.
_Có lẽ tôi phải đi rồi. – Dịch giả thì thầm.
_Tạm biệt. – Tôi nói
_Tạm biệt. Ông ta cũng nói thế. Nhưng tôi cảm giác như chúng tôi đã nói với nhau câu nói quan trọng hơn là chỉ chào tạm biệt.
Từ cửa sổ tôi nhìn thấy người đàn ông đi trên cầu tàu và đang bị cuốn trong hàng người. Dù ông ta nhỏ con đến mấy tôi cũng lập tức phân biệt được bóng người mặc vest lẫn trong đám du khách. Giữa chừng ông ta ngoảng đầu lại. Tôi vẫy tay dù thấy thật buồn cười khi làm điều này với một người không biết tên cũng chẳng có quan hệ gì. Ông ta cũng định vẫy trả, nhưng rồi lại ngượng ngùng đút bàn tay đang giơ lên vào túi áo. Tàu rú còi rồi rời bến.
… Tôi vẫn luôn sống một mình. Hàng ngày giam mình ở đảo và chỉ làm mỗi việc dịch thuật, nên hầu như không có bạn. Vả lại, tôi cũng không có một cô con gái vừa trẻ lại xinh đẹp như cô.
Đã mười năm rồi tôi không được nếm trải cảm giác có ai đó vẫy tay tiễn đưa như vậy. Tôi thường lên thuyền từ chỗ cầu tàu, nhưng lúc nào cũng chỉ một mình. Tôi cũng chưa lần nào ngoảnh đầu lại từ chỗ đó cả.
Cô đã vẫy tay với tôi làm như chúng ta đã quen biết từ lâu. Có lẽ với cô đó chỉ là một cử chỉ vặt vãnh, nhưng với tôi nó lại có ý nghĩa sâu sắc.
Tôi muốn cảm ơn cô về điều đó. Chân thành cảm ơn cô.
Đoạn trích trên kể về lần đầu họ gặp nhau. Ai trong chúng ta có lẽ cũng thấy đồng cảm với người đàn ông ấy. Bởi lẽ, nỗi cô đơn là chuyện chẳng hiếm hoi trong thế giới này. Người ta dễ dàng xao xuyến trước những điều be bé tốt đẹp. Một cái vẫy tay, một nụ cười, một tin nhắn. Chúng tạo nên sự thân mật gắn kết giữa người với người, không gì có thể xóa bỏ. Và điều đáng khâm phục, họ đã vượt qua mọi rào cản, để tìm đến nhau.
Có thể, bạn chả đồng ý với mình đâu. Gì chứ, không thể chấp nhận được chuyện yêu nhau tội lỗi như thế. Ừ, mình cũng hem có phản đối đâu. Vì suy cho cùng, như một cái note nào đấy đã viết “văn chương khơi dậy sự cảm thông”, hoặc là mình đã tự huyễn hoặc bản thân rồi.