Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Mùa Thu Của Cây Dương - Kazumi Yumoto

  • [AudioBook Mùa Thu của Cây Dương](http://dtv-ebook.com/tim-kiem.html?keyword=audiobook mùa thu của cây dương)

    Việc cầm một cuốn sách trên tay và đọc nó đem lại cho bạn nhiều thi vị hơn là đọc sách qua màn hình máy tính nhờ ebook hay các trang web đọc sách trực tuyến. Tôi còn nhớ mãi cái cảm giác của mình khi đọc “Mùa thu của cây dương” vào những ngày tết vừa rồi. Đó là một ấn tượng đặc biệt tới từ trang bìa bắt mắt hình thảm lá rơi vàng rực, từ mùi thơm nhẹ nhàng của bookmark kẹp trong trang giấy, từ cuốn sách nhỏ chỉ dày hơn 200 trang mà tôi có thể cầm trong tay hay để gọn nơi đầu giường vào mỗi đêm sau khi đọc.

    Nhưng điều cuốn hút nhất của một cuốn sách bao giờ cũng đến từ chính câu chuyện và thế giới ngôn ngữ của tác giả. “Mùa thu của cây dương” với tôi cũng vậy. Truyện mở ra trước mắt tôi một thế giới đậm chất Nhật Bản với không khí u nhã đặc trưng.

    Gấp sách lại, bạn sẽ nhớ khu trang viên cây dương ngập sắc vàng vào mùa lá rụng, những căn phòng đơn sơ nơi hằng ngày những con người chất phác vẫn sinh hoạt, trò chuyện và dành tặng nhau bao điều ấm áp của cuộc sống, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Nhân vật trung tâm của câu chuyện – cô bé Chiaki đã lớn dần lên cùng với cây dương, cái cây mỗi thu, đông sang hay mỗi lúc xuân về đều thủ thỉ cùng chuyện trò; với sự chăm sóc của mẹ và bà cụ, sự gần gũi của cô Sasaki, anh Osamu hay sự đôn hậu của bác Nishioka. Cứ thế, những con người này lặng lẽ cũng nhau chia sẻ bao nhiêu vui buồn của cuộc sống, mặc năm tháng trôi đi. Trang viên cây dương như một nơi để người ta quên đi rằng thời gian vẫn chảy ở bên ngoài.

    Đọc truyện, người đọc có dịp ngẫm suy sâu hơn về sự sống và cái chết. Truyện mở đầu bằng cái chết của bố Chiaki, kết thúc bằng cái chết của bà cụ. Suốt dọc câu chuyện là nỗi hoang mang ngây thơ của cô bé Chiaki về cái chết, cô sợ cái chết sẽ giống như một cái hố đen ngòm một ngày nào đó sẽ lôi tuột mình và người thân xuống đó, cô sợ lúc ngăn tủ đựng thư của bà cụ đầy chặt cũng là lúc bà sẽ phải qua đời để làm nhiệm vụ chuyển những bức thư cho người chết. Thế nhưng, cách Kazumi Yumoto nói về cái chết không gây cảm giác sợ hãi ở người đọc. Nỗi hoang mang vẩn vơ của cô bé rồi đây sẽ được bà cụ giúp giải tỏa. Sống trong tình cảm ấm áp của mọi người, Chiaki dần quên đi những sợ hãi, âu lo. Vì thế kết lại bằng cái chết, nhưng câu chuyện vẫn để lại một dư âm gì đó thật sáng tươi.

    Con người không thể trốn chạy khỏi sự thật về cái chết, nhưng chúng ta có thể xua đi ám ảnh về nó và làm cho những ngày ta đang sống đẹp thêm, ý nghĩa hơn nhờ một thứ phép màu, đó chính là YÊU THƯƠNG.

    Cùng với niềm vui của giây phút hồi hộp mở cuốn sách ra, giờ đây tôi có thêm niềm vui khi gấp sách lại mà vẫn thấy ấm áp, tựa như có một thứ ánh nắng đang chiếu vào tâm hồn mình từ những tán lá dương có màu của mùa thu.

Nguồn: facebook


Trong cuốn sách này, các nhân vật đều quan tâm và chia sẻ với nhau những điều nhỏ nhặt, giản đơn nhưng đặc biệt ấm áp. Cốt truyện giản đơn, nhưng tác giả Kazumi Yomoto đã cuốn độc giả vào một không gian tinh tế, như khi Chiaki nhổ cỏ cùng bà cụ chủ nhà, bà thường lén bỏ một ít cỏ vào giỏ của cô bé để em khỏi xấu hổ về việc mình nhổ được ít; khi bà cụ ăn vận kimono đẹp đẽ sang trọng để đi xin lại việc cho bác hàng xóm; hay khi bà cụ đã láu cá bịa ra đủ thứ chuyện với mọi người…

Với giọng điệu dịu dàng, lời văn đẹp, giàu chất thơ, lồng ghép những triết lý nhẹ nhàng, sâu sắc, “Mùa thu của cây dương” thực sự đã mang đến một cách cảm, cách nghĩ đậm chất phương Đông.

Trích Mùa thu của cây dương: Giản dị mà day dứt mãi - Đinh Phương Linh
Nguồn: Website: www.kienthuc.net.vn (http://kienthuc.net.vn/)


Không cầu kì, kiểu cách, không đao to búa lớn, “Mùa thu của cây dương” cũng nhẹ nhàng như một chiếc lá dương vàng óng xoay xoay theo làn gió thu rớt xuống khu vườn. Một câu chuyện giản dị nhưng sâu sắc lạ thường. Một câu chuyện về tình yêu, tình người, và một lần nữa, về cái chết. Nói “một lần nữa” bởi đây cũng là chủ đề xuyên suốt trong tác phẩm “Khu vườn mùa hạ”. Cái chết trong câu chuyện của Yumoto Kazumi có lẽ không hề đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ. Cái chết, với bà cụ chủ nhà giống như một chuyến đi, một nghĩa vụ, một công việc phải làm. Cũng chính bởi thế, nên đám tang của bà cụ không hề buồn bã như những đám tang khác. Có nỗi tiếc thương cho người đã khuất, nhưng tâm trạng của ai cũng nhẹ nhõm hơn hẳn. Có lẽ bởi ai trong số họ cũng đinh ninh rằng, bà cụ đang thực hiện chuyến đi của mình, đang làm công việc mà bà đã dành thời gian nhiều năm chuẩn bị - công việc chuyển những lá thư.

Một mùa thu nữa lại trải lá vàng trên căn hộ Cây Dương, nơi lưu giữ những kỷ niệm về một con người kì lạ. Bà cụ ấy không hề được tác giả nhắc tên, suốt từ lúc bà xuất hiện trong cuộc đời cô bé Chiaki cho đến lúc qua đời. Khi bà ra đi, cũng không có ai là họ hàng thân thiết, nhưng bà lại có vô số bạn bè. Những người bạn đưa tiễn bà bằng sự quý trọng, bằng tình yêu, tình người, và trên tất cả, là một sự thanh thản, nhẹ nhàng mà không phải đám tang nào cũng có. Bà sẽ sống mãi trong trái tim họ như một biểu tượng về lòng tốt thầm lặng. Một lòng tốt giản đơn thôi, dễ dàng thôi, lòng tốt của người dưng qua đường, lòng tốt giữa con người với con người, nhưng mấy ai trong đời này có được?

Trích "Mùa thu của cây dương" - Có những lòng tốt giản đơn thôi
Nguồn: Website Afamily.vn (http://afamily.vn/)

Giới thiệu tác giả Kazumi Yumoto

Kazumi Yumoto sinh năm 1959 tại Tokyo. Cô theo học khoa sáng tác tại Đại học Âm nhạc Tokyo. Trong khoảng thời gian đó, cô từng viết lời cho các vở opera, kịch nói trên sóng phát thanh và truyền hình. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của của Kazumi - Khu vườn mùa hạ (Natsu no niwa) xuất bản lần đầu năm 1992 đã nhanh chóng giành được thành công ở trong và ngoài nước. Tác phẩm tiếp theo của cô - Mùa thu của cây dương (Popura no Aki) cũng nhận được rất nhiều chú ý từ dư luận, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Những tác phẩm của Kazumi Yumoto

- Mùa Thu Của Cây Dương - 2010
- Khu Vườn Mùa Hạ - 1992