Bàn đến lịch sử của dân tộc Trung Hoa, người ta thường nhắc đến Tần Hoàng, Hán Vũ, Trinh Quán, Thịnh Đường, Đại Minh, Vĩnh Lạc… mà không biết đến Cửu Châu Hoa Hạ là một hợp thể nhiều dân tộc.
Ba dân tộc Khiết Đan, Nữ Chân, Đảng Hạng ở nơi biên viễn, mọi mặt khác xa với Trung Nguyên nhưng vẫn là những dân tộc có bề dày lịch sử. Yếu có thể chuyển thành mạnh. Mưu lược của họ thật vô cùng vô tận.
Ngày nay đọc lại, thấy rõ đằng sau những trang sử ấy là cả một kho báu của trí tuệ, biết sử dụng, biết vận dụng, biết người biết ta… biến ảo khôn lường.
Nếu trên thương trường biết vận dụng thì kẻ giàu có được giàu mãi. Người nghèo chịu phận nghèo vĩnh hằng hay không chính là chỗ hơn thua của mưu trí vậy.
***
Từ thế kỷ thứ IV sau Công nguyên, đời Lưỡng Tấn, thời kỳ Nam, Bắc triều, phía bắc Trung Quốc suốt một dải Hoàng Thủy (sông Tây Lạp Mộc Luân) và Thổ Hà (sông Lão Ha) đã có các bộ tộc người Khiết Đan sinh sống bằng nghề săn bắt và đánh cá. Từ năm Khai Hoàng vào cuối thời Tùy Đường, dân tộc Khiết Đan ngày càng phồn thịnh, có điều họ vẫn sống trong chế độ xã hội nô lệ của liên minh các bộ lạc. Người cầm đầu liên minh các bộ lạc này được gọi là “Khả Hãn” và Khả Hãn cứ ba năm được chọn một lần trong số những người có chức có quyền của tám bộ lạc lớn.
Gia Luật A Bảo Cơ đã vận dụng sách lược dần dần từng bước để từ một chức thủ lĩnh cận vệ quân leo lên làm “Di Ly Lý”, “Vu Việt” cuối cùng bước lên ngôi vị “Khả Hãn” cao quý. Để được chọn và leo lên ngôi “Khả Hãn”, một mặt Gia Luật A Bảo Cơ đã liên tục tiến hành các cuộc chinh phạt để mở rộng địa bàn, làm tăng dân số, cố gắng hết sức để thế lực Khiết Đan lớn mạnh hơn nữa. Mặt khác ông luôn tích cực học hỏi chế độ hoàng quyền của người Hán ở Trung Nguyên, phế bỏ các tập tục cũ, bình định nội loạn, xây dựng nên nhà nước Khiết Đan, mưu cầu chế độ quân chủ tập quyển, ngôi vị đế vương được truyền từ đời này sang đời khác.
***
Ngày Canh Dần tháng Giêng năm 907, Vu Việt của Khiết Đan là Gia Luật A Bảo Cơ áo mũ chỉnh tề, dưới sự ủng hộ của các quan viên văn võ và những người có chức có quyền của các bộ lạc đã bước tới bên dưới một toà đàn tế được ghép bằng gỗ, được chọn vào hàng “Tái Sinh Thất” để cử hành “Tái Sinh Lễ”. Sau khi buổi lễ xong xuôi, họ lại hướng về phía đông để lạy mặt trời. Sau đó Gia Luật A Bảo Cơ nhảy lên mình một con ngựa cực tốt do một cụ già trong nhà mẹ ông dắt tới. Tùy tùng đứng cả phía sau, họ cùng tiến thẳng về phía một gò đất cao. Trên đường đi, Gia Luật A Bảo Cơ quất ngựa chạy như bay. Tới chân gò, ông vội nhảy xuống ngựa, quỳ rạp trên mặt đất. Lúc này, ông già dẫn ngựa và bọn tùy tùng cũng đã chạy tới. Họ lấy ra một tấm thảm phủ lên mình Gia Luật A Bảo Cơ. Một lúc sau, A Bảo Cơ đứng dậy bước lên gò. Lúc này trên gò đã có những nhân vật quan trọng của các bộ lạc cùng với bá quan văn võ đứng xếp hàng ngay ngắn ở đó. Họ cùng hướng lên tiến hành vái chào. Một viên tùy tùng của A Bảo Cơ trên gò cao vội chạy tới trước mặt bá quan lớn tiếng tuyên đọc tấu văn:
– Tôi vô tài vô đức, sao các vị không chọn lấy một người khác?
Các quan cúi lạy, nói:
– Khả Hãn Gia Luật A Bảo Cơ công cao vọng trọng, bốn phương đều quy phục. Bọn chúng thần nguyện nghe theo lệnh của Khả Hãn.
Người ấy lại thay mặt Gia Luật A Bảo Cơ hỏi bá quan:
– Các ngài thực sự nguyện theo sự sai khiến của ta sao?
Bá quan đồng thanh hô:
– Duy mệnh thị chúng! (Chỉ nghe theo mệnh lệnh của ngài).
Viên tùy tùng lại chạy tới tham kiến với Gia Luật A Bảo Cơ nói lại lời của bá quan với ông. A Bảo Cơ nghe xong lại nhảy lên ngựa phóng về phía đàn tế, bá quan lại cúi mình chào. Sau đó họ đem lửa tới đốt đàn, lửa cháy rực trời: A Bảo Cơ dẫn bá quan làm lễ tế trời, cầu thượng thiên phù hộ lễ xong họ kéo nhau vào những chiếc lều da lớn bày đại tiệc tiếp đón tôn trưởng của các bộ lạc và bá quan văn võ.
Trên đây chính là một màn của bộ lạc Khiết Đan khi tiến hành nghi lễ “Sài Sách Lễ” trong buổi tuyển chọn Khả Hãn. Sau khi Gia Luật A Bảo Cơ tiến hành xong các nghi lễ, vương triều nhà Liêu chính thức được ra đời trong lịch sử Trung Quốc.
Nghi thức của buổi “Sài Sách Lễ” rất đơn giản, tiến hành trong một khoảng thời gian rất ngắn, nhưng để có được buổi lễ ngày hôm nay, bước lên ngôi vị Khả Hãn, xây dựng lên nhà nước “Đại Liêu”, Gia Luật A Bảo Cơ đã phải trải qua một con đường dài đầy gian nan vất vả. Ông đã vận dụng sách lược lấn dần từng bước một, từ một vị thủ lĩnh thân quân để từng bước, từng bước leo lên ngôi vị cao quý của hoàng quyền.
Từ thế kỷ thứ IV sau Công nguyên, vào thời kỳ Lưỡng Tấn Nam Bắc triều, một dải vùng Hoàng Hà (Tây Lạp Mộc Luân Hà) và Thổ Hà (Lão Ha Hà) ở phía bắc Trung Quốc đã có những tộc người Khiết Đan sinh sống. Một câu chuyện được lưu truyền rất lâu trong lịch sử nói rằng: Có một người cưỡi thuyền độc mộc xuôi theo dòng nước tới đây và một nữ nhân cưỡi trâu xanh theo dòng Hoàng Hà tới. Họ cùng tới Mộc Diệp Sơn, gặp nhau rồi kết thành vợ chồng, sinh ra được 8 người con trai. Sau đó họ tiếp tục duy trì nòi giống, càng ngày càng phồn thịnh trở thành 8 bộ lạc người Khiết Đan. Hai vợ chồng nọ chính là thủy tổ của người Khiết Đan. Sau này, vào cuối đời Tùy Đường năm Khai Hoàng (năm 581), các bộ lạc người Khiết Đan ở vùng Khất Thần Thủy (Hoàng Hà) dần lớn mạnh nhưng họ vẫn ở trong chế độ xã hội nô lệ liên minh các bộ lạc. Tôn trưởng của khối liên minh này được gọi là “Khả Hãn”. “Khả Hãn” được chọn ra từ các vị thủ lĩnh của các bộ lạc và 3 năm lại tiến hành tuyển chọn một lần. Bên dưới Khả Hãn còn có “Vu Việt”, “Di Ly Đổng” là các chức quan chuyên giúp đỡ Khả Hãn. Lúc đầu Gia Luật A Bảo Cơ cũng chỉ là một viên thủ lĩnh thị vệ thân quân của Vu Việt, được gọi là “Đạt Mã Nhung Sa Lý”. Nhưng những người được chọn làm Khả Hãn nhất thiết phải là những người trong danh gia vọng tộc. Quyền hành của các bộ lạc đều nằm trong tay “Khả Hãn”, “Vu Việt”, “Di Ly Đổng” ba vị thủ lĩnh này. Cùng với sự phát triển của các cuộc chiến tranh, cướp đoạt ở bên ngoài, các cuộc cạnh tranh nhằm chiếm đoạt quyền hành trong nội bộ các bộ lạc cũng liên tục xảy ra.
Khi Gia Luật A Bảo Cơ đảm nhiệm chức vụ thủ lĩnh thị vệ thân quân, Vu Việt thời ấy là Thích Lỗ, Di Ly Đổng là Hại Để, Khả Hãn là Hằn Đức Đổng. Thích Lỗ và Hại Để có được quyền hành như vậy là nhờ vào việc chiếm đoạt quyền hành của người khác. Do thực quyền của họ ngày càng tăng nên họ cũng gặp phải sự phản kháng ngày càng kịch liệt của giới quý tộc các bộ lạc. Ba bộ tộc Bồ Cổ Chi mưu giết Thích Lỗ, Hại Để phải bỏ chạy ra khỏi tám bộ lạc người Khiết Đan. Trong trận hỗn loạn này, Gia Luật A Bảo Cơ với chức vụ của mình cùng với tinh binh trong tay đã trấn áp được một bộ phận những người giết hại Thích Lỗ, đánh bại tam tộc Bồ Cổ Chi và lập Hách Đế Lý làm Vu Việt. Bởi ông có công dẹp yên phản loạn, A Bảo Cơ cũng được phong làm Di Ly Đổng, trở thành người có quyền hành lớn thứ 3 trong khối liên minh các bộ lạc. Đó là việc của năm 901. Từ đó trở đi, năm nào A Bảo Cơ cũng dẫn quân đi đánh chiếm, cướp bóc ở các vùng bên ngoài lãnh thổ, bắt được rất nhiều nô lệ và súc vật. Thực tế lúc này quyền lực và kinh tế của ông đã hơn hẳn Khả Hãn Hằn Đức Cẩn và Vu Việt Hách Để Lý. Tới năm 906, ông đã dễ dàng leo lên chức Vu Việt “Tổng chi quân quốc sự” kiêm nhận luôn chức vụ Di Ly Đổng. Trên thực tế ông đã nắm hết quyền hành của liên minh các bộ lạc.
Tuy trên thực tế A Bảo Cơ đã nắm hết quân quyền của liên minh các bộ lạc trong tay nhưng rốt cuộc ông vẫn chưa phải là Khả Hãn. Hơn nữa ông vẫn lo rằng có quý tộc của một bộ lạc nào đó sẽ đứng lên phản đối mình. Để củng cố, giữ vững địa vị của mình, ông không vội vàng leo ngay lên chức vị “Khả Hãn” cao quý mà chú tâm vào việc tìm kiếm những thế lực giúp đỡ mình ở cả trong và ngoài bộ lạc để làm lớn mạnh hơn nữa thế lực của mình. Trong bộ lạc, ông đã tích cực lôi kéo Gia Luật Cát Lỗ vì nhân vật này không chỉ có thực quyền rất lớn mà ông ta còn có sức ảnh hưởng rất lớn trong thế lực của giới quý tộc. Hơn nữa ông luôn tìm cách để quyền lợi của giới quý tộc có được nhiều hơn nữa, được mở rộng hơn nữa. Trên phương diện này A Bảo Cơ cũng luôn tán đồng, vì vậy hai người đã trở thành một cặp không thể tách rời. Lịch sử thường nói rằng: “Từ đó Cát Lỗ luôn phục đao theo cùng A Bảo Cơ”. A Bảo Cơ lôi kéo được Cát Lỗ cũng chính là ông đã lôi kéo được sự ủng hộ từ phía giới quý tộc. Ngoài ra A Bảo Cơ còn chú ý tới việc lung lạc các thế lực khác. Ông biết rõ rằng Vu Việt trước là Thích Lỗ bị mưu sát, con trai của Thích Lỗ là Hoạt Ca cũng là một trong những kẻ tham gia vào vụ mưu sát ấy. Ngoài ra còn có cả Hại Để phải chạy ra ngoài. Nhưng Hoạt Ca là người có thế lực khá lớn, A Bảo Cơ đã cố hết sức mình để trực tiếp đối chọi với Hoạt Ca, cố tỏ ra muốn lung lạc Hoạt Ca nhưng bên trong vẫn ngầm phòng bị. Sau khi Hại Để thoát khỏi sự trừng phạt của đám hung thủ, nhân một lần nước Bột Hải tiến hành lễ hội “Cầu Mã Chi hội” đã cùng hai người con trai của mình cướp ngựa chạy về các bộ lạc Khiết Đan. A Bảo Cơ thấy thế lực của ông ta cũng không nhỏ, vây cánh không phải là ít nên không những ông không truy cứu sâu xa, ngược lại còn cố gắng phủ dụ ông ta. Khi A Bảo Cơ đã bước lên được ngôi vị Khả Hãn cao quý, ông vẫn tiến cử Hại Để làm Vu Việt. Nhưng chức vị Vu Việt này vốn không được nắm binh quyền nên không thể hiển hách như xưa. Nhưng rốt cuộc nhóm thế lực này vẫn được thỏa mãn trong lòng, không phản đối với A Bảo Cơ.
Ở bên ngoài bộ tộc Khiết Đan, Gia Luật A Bảo Cơ còn tìm kiếm sự giúp đỡ của phía Trung Nguyên. Khi ấy, Trung Nguyên đang ở vào thời kỳ cuối cùng của nhà Đường, quyền hành của chính quyền trung ương đang bị các phiên trấn cát cứ biến thành nhiều mảnh nhỏ. Chiếm cứ vùng hạ du sông Hoàng Hà có Chu Ôn và Lý Khắc Dụng là hai kẻ cát cứ thế lực của chính quyền phong kiến lớn nhất ở phía bắc Trung Nguyên. A Bảo Cơ luôn gìn giữ mối quan hệ thân mật với cả hai người này, luôn tặng cho họ lễ vật và ngựa tốt. Vì lợi ích riêng của mình, cả Chu Ôn và Lý Khắc Dụng đều vui vẻ, tình nguyện kết thân với A Bảo Cơ. Vậy là A Bảo Cơ đã có được thế lực giúp đỡ bên trong nội bộ Khiết Đan và thế lực tăng cường bên ngoài của mình. Địa vị của ông trong bộ lạc ngày càng vững chắc.
Trong khi thế lực của A Bảo Cơ ngày càng lớn mạnh, địa vị ngày càng được củng cố, Khả Hãn Hằn Đức Cẩn đã ở vào tuổi già cả lẩm cẩm, không thể xử lý việc nước được nữa. A Bảo Cơ thấy thời cơ của mình đã tới liền cổ động cho trợ thủ của mình cùng với thế lực của ông ta là Cát Lỗ tích cực du thuyết trong khắp 8 bộ lạc, khuyên các bộ lạc tiến hành tuyển chọn, đề cử A Bảo Cơ làm Khả Hãn. Sợ rằng du thuyết còn chưa đủ, họ còn liên tục vào cung “tấu” với lão Khả Hãn Hằn Đức Cẩn khuyên ông ta thoái vị. Hằn Đức Cẩn thấy mình đã già, hơn nữa A Bảo Cơ công lao hiển hách, vang dội, đánh Tích Bộ, thảo phạt Thất Vĩ, cướp vùng đất Yên, mở rộng địa bàn cho Khiết Đan, tăng dân số cho Khiết Đan. Nay để A Bảo Cơ lên thay mình nắm quyền chính là điều mà các bộ tộc hằng mong mỏi nên đành phải nhận lời nhường ngôi. Tâm nguyện của A Bảo Cơ đã được hoàn thành.
Liên minh các bộ lạc Khiết Đan trong thời cai trị của Khả Hãn Hằn Đức Cẩn, các cuộc tranh quyền đoạt vị xảy ra trong nội bộ liên minh các bộ lạc vô cùng kịch liệt. Bất luận là thành viên trong bản tộc có đầy đủ tư cách ứng tuyển của Hằn Đức Cẩn hay thủ lĩnh của các bộ lạc khác chẳng ai không có ý nhòm ngó đến vị trí “Khả Hãn”. Nhưng tại sao chỉ có một mình A Bảo Cơ là thành công? A Bảo Cơ vốn chỉ là một viên thủ lĩnh thị vệ quân, muốn nhòm ngó ngôi vị Khả Hãn, ông còn gặp phải vô số trở ngại của các thế lực như Di Ly Đổng, Vu Việt và các bậc tôn trưởng của các bộ lạc. Điều ảo diệu trong thành công của A Bảo Cơ là ở chỗ sau khi ông ta đã nhận thức rõ, quán triệt toàn bộ tình hình đương thời, ông không nóng lòng ra tay ngay mà vận dụng sách lược từng bước lập thế ổn định. Đầu tiên ông lợi dụng cơ hội nội bộ liên minh bộ lạc xảy ra nội loạn, Thích Lỗ bị giết, đã dùng quân đội mình nắm trong tay quét sạch loạn đảng, leo lên ghế Di Ly Đổng, lại nhường ghế Vu Việt cho người khác. Điều này đã tự nâng cao danh vọng cho chính mình nhưng không để lộ ra bất kỳ một sơ hở nào, tránh bị người khác dị nghị. Trên chức vị Di Ly Đổng, ông vẫn không nóng lòng ra tay tranh ngôi vị mà tích cực dẫn quân đi mở rộng lãnh thổ, đem lợi ích về cho bộ lạc, gây dựng uy vọng cho chính mình. Ba năm sau, ông nhờ vào những chiến công hiển hách của mình đường hoàng tiếp nhận chức vị Vu Việt, nhưng từ đầu chí cuối ông vẫn một mực cung kính với Khả Hãn Hằn Đức Cẩn, vẫn cần mẫn với chức vụ của mình, vẫn dốc sức đánh chiếm ở bên ngoài mở rộng bản đồ cho Khiết Đan, làm tăng dân số của Khiết Đan, càng ngày càng nâng cao uy tín của mình trong nội bộ Khiết Đan. Đồng thời ông cũng không ngừng tìm kiếm, lôi kéo các thế lực giúp đỡ mình cả ở trong và ngoài bộ lạc, củng cố thế lực của chính mình, mở rộng tầm ảnh hưởng của mình, tích xúc thực lực cho mình, cuối cùng ông đã từng bước từng bước tiếp cận ngôi vị Khả Hãn và đường hoàng bước lên vị trí cao nhất của liên minh các bộ lạc.
Sách lược tiến dần từng bước được dùng trong các cuộc đấu tranh chính trị có thể khiến cho những người có mục tiêu to lớn nhưng thực lực hiện tại chưa đủ có thể tiến dần tới đích của mình, từng bước, từng bước ổn định tiến dần tới mục tiêu và cuối cùng đạt được mục tiêu. Đồng thời, đối với những người trên thương trường, đây cũng chính là sách lược tốt nhất giúp họ có được và phát triển cơ nghiệp hùng mạnh của mình. Bởi vì nếu nói về quá trình phát triển của sự vật, bất kỳ một quá trình phát triển của một sự vật nào đó đều phải có tính giai đoạn và tính thống nhất liên tục, tính ổn định và tính biến động. Nói cách khác là một sự vật không thể dừng lại ở một điểm cố định mà không vươn tới sự tiến bộ và phát triển, cũng không thể bước qua giai đoạn và điều kiện cho phép một cách khinh suất, mạo hiểm. Nên căn cứ vào điều kiện khách quan, từng bước, từng bước ổn định theo tuần tự mà tiến. Công ty Marlcs Spancer của Anh chỉ với số vốn 5 bảng Anh trở thành một công ty bách hóa lớn nhất thế giới chính là ví dụ tiêu biểu nhất trong việc áp dụng sách lược này vào kinh doanh để chúng ta tham khảo.
Công ty Marlcs Spancer của Anh quốc là một công ty bách hóa làm ăn phát đạt nhất thế giới ngày nay, là một cửa hàng bách hóa liên doanh lớn nhất có chế độ quản lý tốt nhất thế giới, là cửa hàng cá lớn nhất, cửa hàng giày lớn nhất, cửa hàng y phục nam lớn nhất, cửa hàng xuất khẩu quần áo lớn nhất của Anh. Từ tháng 3 năm 1987, doanh thu hàng năm của họ đạt 4 tỉ bảng Anh (tương đương với 7 tỷ đô la). Nhưng ai có thể ngờ rằng, người sáng lập ra công ty bách hóa này là Caker Marlcs thành lập công ty chỉ với số vốn là 5 bảng Anh. Công ty từ nhỏ bé trở thành lớn mạnh như ngày nay đều nhờ vào sách lược tiến dần từng bước.
Năm 1882, chàng trai Waker Marlcs 23 tuổi chỉ là một người dân nhỏ bé, khó khăn, phải chạy khỏi Ba Lan sang nước Anh để tránh sự vây bắt, chém giết của Sa Hoàng. Anh ta đã vay của Isake Duhaster là nhân viên của một cửa hàng bán lẻ ở Leeds được 5 đồng bảng Anh để làm vốn buôn bán. Đeo hòm hàng trên cổ, anh đã lăn lộn hết làng này thôn nọ trong vùng để bán cúc áo, kim chỉ, kim băng, bít tất v.v… Hai năm sau anh đã kiếm được một khoản tiền nho nhỏ, anh đã có được một tủ hàng hóa cao 6 tấc, rộng 4 tấc Anh, bày ngoài trời ở chợ của Leeds. Cùng với sự phát triển của công việc làm ăn, Marlc cần có một nhân viên bán hàng. Duhaster đã giới thiệu cho anh một người tên là Tamu Spancer. Spancer góp 300 bảng Anh cùng làm ăn. Tủ hàng của Marlc và Spancer tuy quy mô kinh doanh nhỏ, đồng vốn ít nhưng họ luôn chú trọng khâu bảo đảm chất lượng và chủng loại của sản phẩm, chú trọng việc kéo dài thời gian phục vụ, luôn làm vừa lòng khách hàng. Khi công việc làm ăn của họ còn ở quy mô nhỏ, họ vẫn không thôi việc đeo hộp hàng trên cổ đi khắp các làng mạc gần đó để bán hàng. Bởi họ có ấn tượng tốt, có uy tín lớn nên công việc làm ăn ngày càng phát đạt. Tới năm 1901, Marlc Spancer đã phát triển cơ nghiệp của mình lên tới 24 sạp bán hàng và 12 cửa hàng.
Sau khi tiền vốn đã lớn, quy mô làm ăn đã được mở rộng, cửa hàng bách hóa Marlc Spancer vẫn kiên trì với tôn chỉ làm ăn và kinh doanh cũ của mình, không tiến hành cạnh tranh với các cửa hàng lớn khác và họ cũng không bày vẽ bán các loại sản phẩm gấm xa xỉ đắt tiền. Họ luôn tìm mọi cách để hạ thấp giá cả sản phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ, giành được sự tín nhiệm cao của khách hàng. Để hạ thấp giá cả hàng hóa, họ đã không tìm tới các cửa hàng đại lý mà trực tiếp tới ký hợp đồng mua sản phẩm với những nhà sản xuất. Ngày nay có khoảng 1.000 nhà sản xuất có quan hệ làm ăn mật thiết với Marlc Spancer, trong đó có không ít nhà sản xuất chuyên sản xuất sản phẩm cung cấp cho cửa hàng này. Các nhà máy sản xuất này luôn chịu sự quản lý, giám sát nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm của cửa hàng. Có những nhà máy đã có hơn 50 năm lịch sử trong việc cung cấp sản phẩm cho cửa hàng, trong đó có cả nhà máy sản xuất y phục Duhaster - người mà hơn 100 năm trước đây đã cho Marlc vay 5 đồng bảng Anh.
Sau này công việc làm ăn đã ở quy mô cực lớn, Marlc vẫn không quên khi xưa, ông vẫn hướng công cuộc làm ăn của mình theo mục tiêu cũ. Để khích lệ tính tích cực, tính sáng tạo của các nhân viên, phát huy năng lực chỉnh thể của họ, Marlc đã tiến hành nhiều cuộc cải cách trong công ty của mình. Ví dụ như hoạt động “đơn giản hóa” nhằm trừ bỏ những công đoạn không cần thiết, giám đốc tiêu thụ không nhất thiết mỗi tuần đều phải viết báo cáo lên công ty, số lượng hàng hóa không nhất thiết phải ghi chép thật tường tận, chỉ cần khái quát con số lại là được. Những quan chức trong công ty cho rằng con người chỉ cần có được sự tín nhiệm là họ sẽ phát huy được hết tài trí thông minh của mình. Tại tổng công ty có dán một tấm biểu ngữ lớn, trên đó viết: “Làm việc đơn giản, rõ ràng”. Trên mỗi máy điện thoại của công ty đều có dán khẩu hiệu: “Đơn giản, thẳng thắn, không rào đón lòng vòng”.
Qua nhiều năm kinh doanh, dần dần phát triển, Marlc & Spancer giờ đây đã trở thành một cửa hàng bán lẻ lớn nhất nước Anh, có tới 269 cửa hàng con. Trên tivi, có người hỏi phu nhân thủ tướng của Anh rằng áo lót bà đang mặc trên người mua ở đâu, bà ta nói:
– Sao? Đương nhiên là Marlc Spancer. Chẳng phải ai cũng tới đó mua hàng sao? Đúng vậy không?
Từ đó ta có thể thấy rằng chỉ cần kinh doanh có cách thức, có mục đích thì dù tiền vốn ít, bạn cũng có thể phát triển công việc kinh doanh của mình thành một doanh nghiệp với qui mô lớn.
Mời các bạn đón đọc Mưu Trí Thời Liêu - Kim - Hạ của tác giả Bạo Thúc Diễm & Chu Chính Thư & Đường Nhạn Sinh & Ông Văn Tùng (dịch).