"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia". Câu nói ấy, quan niệm ấy ngày nay đã trở thành quen thuộc, như một chân lí được ông cha ta truyền lại từ mấy trăm năm trước. Đó là lời khẳng định nổi tiếng được khắc trên tấm bia tiến sĩ đầu tiên vinh danh các tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất (1442). Nguyên văn đầy đủ như sau: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Bởi vậy, các đấng thánh đế minh vương, chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ có mối quan hệ thật là quan trọng đối với sự phát triển cửa đất nước. Vì thế, cái ý tôn trọng họ, thật là vô cùng… " (Theo bản dịch Tuyển tập văn bia Hà Nội).
Tác giả những lời này là Thân Nhân Trung, Phụng trực đại phu, Hàn lâm viện Thừa chỉ, Đông các đại học sĩ dưới thời Lê. Năm 1484, khi Lê Thánh Tông cho khắc thiếu các bậc anh tài, nhất là vào thế kỉ 20, khi mà khát vọng độc lập tự do hòa đồng với khát vọng tự tôn, vươn lên "sánh vai các cường quốc năm châu" như lời Bác Hồ hằng mong ước. Không chỉ ở một hai lĩnh vực, mà hầu như trong mọi lĩnh vực chuyên môn đều xuất hiện các nhà khoa học tài ba, nhiều người trong số đó đã trở thành danh nhân của đất nước, hoặc có tầm cỡ quốc tế. Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi chia sách thành hai tập, xếp theo trình tự thời gian năm sinh năm mất của nhân vật; nhưng cũng có khi trình tự này được đảo đôi chút cho phù hợp với giai đoạn xuất hiện của nhân vật trong bối cảnh chung. Do trình độ có hạn của người biên soạn và cũng do sự hạn chế về tư liệu, chắc chắn tập sách này còn để sót không ít bậc "hiền tài" xứng danh là "nguyên khí quốc gia". Rất mong được bạn đọc lượng thứ và coi đây như một cuốn sách để ngỏ, hi vọng sẽ có dịp bổ sung, chỉnh lí khi tái bản.
Hà Nội, Năm Thanh niên 2011
NHÓM BIÊN SOẠN
***
Thời Tiền Lê, Lê Hoàn làm vua trong 25 năm (980 -1005; khi mất được gọi là Lê Đại Hành). Ông đã để lại những dấu ấn khó phai trong lịch sử Việt Nam, nhất là vào buổi đầu dựng nước đầy chông gai. Nhận long bào từ tay Thái hậu Dương Vân Nga, chưa đầy một năm sau, ông đã phải lo đối phó với cuộc xâm lăng hung hãn của quân Tống. Với chiến thắng lừng lẫy trên ải Chi Lăng và đặc biệt chiến thắng Bạch Đằng lần thứ hai (981), ông đã đập tan âm mưu xâm lược của kẻ thù, giữ vững được nền độc lập tự chủ từ thời Đinh Tiên Hoàng để lại. Nhờ đó đất nước được thái bình, đồng thời mở ra một thời kì hòa hiếu khá êm đẹp với triều đình nhà Tống.
Liên tiếp trong hai năm 986 - 987, nhà Tống hai lần cử sứ thần Lý Giác đi sứ sang kinh đô Hoa Lư. Lý Giác là người rất giỏi thơ phú, ở lần sang thứ nhất ông ta đã thể hiện tài đối đáp khó ai sánh được. Cho nên khi ông ta sang lần thứ hai, vua Lê quyết định cử Đỗ Pháp Thuận, vị pháp sư cố vấn của triều đình giả làm người chèo thuyền đi đón sứ Tống. Trên đường về kinh đô Hoa Lư, khi thuyền đến sông Hoàng Long (khúc sông thuộc huyện Gia Viễn, Ninh Bình ngày nay), bất chợt Lý Giác thấy hai con thiên nga (ngỗng trời) bơi trên sông. Tức cảnh sinh tình, Lý Giác cao hứng ngâm:
Nga nga lưỡng nga nga,
Ngưỡng diện hướng thiên nha.
Nghĩa là:
Song song ngỗng một đôi,
Ngửa mặt ngó ven trời.
Sứ đang khoái trá nhấm nháp dư âm câu thơ của mình, bỗng thật bất ngờ nghe người lái đò ngâm tiếp:
Bạch mao phô lục thủy,
Hồng trạo bãi thanh ba.
Nghĩa là:
Lông trắng phơi dòng biếc,
Sóng xanh chân hồng bơi.
Lý Giác vô cùng thán phục nhân tài nước Đại Cồ Việt, đến người lái đò cũng hay chữ. Vì thế đến kinh đô Hoa Lư, khi được vua Lê tiếp kiến, sứ Tống đã có thái độ khá biết điều…
Câu chuyện trên có thể chỉ là một thi thoại vốn không thiếu trong các chuyện đời xưa. Song có điều chắc chắn, sứ thần Trung Hoa khi ấy đã phải rất dè chừng trước các "đối tác" phương Nam. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, khi ra về, Lý Giác đã làm một bài thơ lưu biệt tặng Đỗ Pháp Thuận, vói tư cách là pháp sư cố vấn của triều đình. Bài thơ có hai câu kết:
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu,
Khê đầm ba tĩnh kiến thiềm thu.
Nghĩa là:
Ngoài trời lại có trời lên chiếu,
Sóng lặng khe đầm, bóng nguyệt thâu.
Pháp sư đem bài thơ dâng lên vua. Vua cho thiền sư Khuông Việt (cũng là một vị đại sư) xem và hỏi ý. Khuông Việt cắt nghĩa: "Thơ này có ý tôn trọng bệ hạ không khác gì vua Tống". Ý rằng, vua Tống tự nhận mình là trời thì cũng phải thừa nhận ngoài mình ra còn có "trời" khác nữa (ở phương Nam) cũng chiếu sáng không khác gì mình!…
Đỗ Pháp Thuận là vị thiền sư nổi tiếng thời Tiền Lê. Ông được Lê Hoàn tôn làm đại sư cố vấn. Tiếc là sử sách không lưu lại được nhiều và cụ thể về ông. Chỉ biết ông sinh năm 915 nhưng không rõ quê quán, mất năm 990, thọ 75 tuổi. Ông xuất gia từ thuở nhỏ, tu ở chùa Cổ Sơn, Thanh Hóa, sau theo học ở chùa Long Thụ. Thiền uyển tập anh có lẽ là cuốn sách chép về ông kĩ nhất: "Sư là người học rộng có tài phò vua, hiểu rõ thế cuộc đương thời… Khi nhà Tiền Lê mới sáng nghiệp, Sư có công luận bàn, hoạch định các sách lược bảo vệ, xây dựng đất nước thịnh vượng. Khi thiên hạ thái bình, Sư không nhận chức tước của triều đình phong thưởng, nên vua Đại Hành lại càng kính trọng, thường tôn xưng là Đỗ Pháp sư, chứ không dùng tục danh như đối với các vị đại thần khác…".
Tương truyền, nhiều lời phát ra của Pháp sư được coi như những lời "sấm", ứng vói những việc lớn (đại sự) của đất nước và triều đình. Tiếc rằng không lưu lại được. Tuy nhiên, sách Thiền uyển tập anh đã ghi lại một bài thơ của ông làm để trả lời vua Lê khi được hỏi về vận nước. Bài thơ không có tên, được chép lẫn trong một cuốn sách cách đây đã nhiều thế kỉ, nhưng cùng vói thời gian đã phát lộ vị trí "vô tiền khoáng hậu" trong lịch sử văn hiến Việt Nam. Nguyên văn bài thơ đó như sau:
Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lí thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh.
Bùi Duy Tân dịch:
Vận nước bền vững mãi
Trời Nam mở thái bình
Vô vi trong điện gác
Chốn chốn hết đao binh.
Sau những năm trường rơi vào quên lãng, đến nửa sau của thế kỉ 20, bài thơ mới lại được biết đến với tên gọi Quốc tộ (đặt theo hai chữ đầu của bài thơ), hoặc dịch ra là Vận nước hay Ngôi nước. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đây là bài thơ có tên tác giả xuất hiện sớm nhất, nên được những người làm sách, kể cả sách giáo khoa văn học, đặt vào vị trí khai sáng cho văn học cổ dân tộc. Chỉ riêng điều ấy đã giá trị lắm rồi. Song ý nghĩa của bài thơ còn lớn hơn nhiều: Trả lời câu hỏi của nhà vua về "vận nước ngắn dài", Pháp Thuận đã dùng bốn câu thơ với ngôn từ giản dị mà thâm thúy để nói rằng, vận mệnh nước nhà dài lâu, bền vững khi nhà vua dựng mở được nền thái bình cho đất nước. Ba chữ "quốc tộ", "thái bình", "vô vi" trong bài thơ được coi là ba nhãn tự có hàm ý rất sâu sắc: "Quốc tộ" ở đây được hiểu là vận mệnh quốc gia; "thái bình" để chỉ một xã hội yên vui, thanh bình, không bạo lực, chiến tranh; "vô vi" trong sách Phật có nghĩa là từ bi, bác ái, vị tha, nhưng ở đây còn thể hiện phương thức đức trị - nhà vua lấy đức để trị dân. Với bốn câu thơ ấy, thiền sư - thi sĩ Pháp Thuận đã trở thành người đầu tiên thể hiện lí tưởng thái bình muôn thuở của dân tộc ta từ thời Lê Hoàn. Đặt bên cạnh bài "Nam quốc sơn hà" vẫn được biết đến như một bản "Tuyên ngôn Độc lập", bài thơ Quốc tộ của Đỗ Pháp Thuận xứng đáng được coi là bản "Tuyên ngôn Hòa bình" đầu tiên của đất nước.
Tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ Hán của nước ta, có nghĩa là "Tập hợp tinh hoa vườn Thiền". Sách ghi lại tương đối hệ thống các tông phái Thiền học và 68 tiểu truyện các thiền sư nổi tiếng kể từ cuối thời Bắc thuộc đến cuối thời Lý đầu thời Trần. Tập sách được nhiều người biên soạn kế tiếp nhau, hoàn thành vào khoảng thời Trần. Hiện còn lưu giữ được bản chữ Hán in năm Vĩnh Thịnh thứ 11 đời Lê Dụ Tông (1715).
Thời Tiền Lê, Lý, Trần, Phật giáo có một ảnh hưởng vô cùng to lớn. Nhiều vị vua sáng suốt đã tôn các bậc thiền sư làm cố vấn triều đình, và như lịch sử đã ghi lại, nhiều vị thiền sư - cố vấn đã phò giúp được rất nhiều cho vua, cho nước. Nếu như trước đây, người ta đã biết về vai trò của Thiền sư Pháp Thuận trong việc phò vua giúp nước, thì ngày nay, nhờ tác phẩm Thiền uyển tập anh, một cuốn sách Phật mà chúng ta được biết đến một đóng góp khác cũng rất lớn của ông đối với lịch sử văn học và tư tưởng Việt Nam. Đó là bài Quốc tộ được chép trong sách như trên đã nói.
Mời các bạn đón đọc Hiền Tài Là Nguyên Khí Quốc Gia Tập 1 của tác giả Nguyễn Huy Thắng & Nguyễn Như Mai & Nguyễn Quốc Tín.