“Một câu chuyện cổ tích kỳ lạ.” – The New York Times
Trước ánh mắt ngạc nhiên đầy ngưỡng mộ của cậu con trai, họ khiêu vũ trên nền nhạc lãng mạn của Nina Simone, Mr. Bojangles. Tình yêu của họ giống như một phép mầu, một bữa tiệc vui kéo dài mãi không dứt. Nơi họ chỉ có chỗ cho niềm vui, sự phóng túng, cuồng ngông và bạn bè. Trong những điều đẹp đẽ và ngay cả trong những biến cố bất hạnh xảy ra, chỉ có tình yêu là điều lớn lao hơn cả. Và, “tình điên” chưa bao giờ đúng với tên gọi của nó đến thế.
Gặt hái thành công lớn ngay từ những tuần đầu tiên sau khi phát hành (tháng Một năm 2016), Trong khi chờ Bojangles tiếp tục giành được nhiều giải thưởng văn chương, trong đó có giải Tiểu thuyết France Télévisions, Giải thưởng lớn của RTL-Lire, giải Emmanuel-Roblès, giải tiểu thuyết dành cho sinh viên của France Culture-Télérama và giải thưởng của Viện Hàn lâm Văn học vùng Bretagne và Pays de la Loire.
Năm 2019, Trong khi chờ Bojangles được đạo diễn sân khấu Victoire Berger-Perrin dàn dựng thành vở kịch cùng tên, giành được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình và báo chí. Trước đó, năm 2017, tác phẩm của Olivier Bourdeaut cũng đã được hai tác giả Ingrid Chabbert và Carole Maurel chuyển thể thành truyện tranh.
ĐÔI ĐIỀU VỀ TÁC GIẢ:
Olivier Bourdeaut sinh năm 1980 tại Nantes, Pháp. Từ một nhân viên môi giới bất động sản, ở tuổi 30 anh quyết định rẽ hướng sang lĩnh vực văn chương. Anh dành ra hai năm để viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên song không tìm được sự đồng ý từ bất cứ nhà xuất bản nào. Sau đó anh tới sống ở nhà bố mẹ mình tại Tây Ban Nha, tập trung viết tiểu thuyết thứ hai, Trong khi chờ Bojangles, và hoàn thành nó trong vòng bảy tuần lễ. Lần này, câu chuyện nhẹ nhàng và điên rồ mà Olivier Bourdeaut kể lập tức gặt hái được thành công vang dội ngay sau khi được phát hành.
***
Tóm tắt:
Review:
Ưu điểm:
Nhược điểm:
Đánh giá chung:
Trong Khi Chờ Bojangles là một cuốn sách đẹp và buồn về tình yêu, mất mát và trí nhớ. Cuốn sách là lời nhắc nhở quý giá về việc trân trọng những khoảnh khắc hiện tại và yêu thương những người xung quanh.
Điểm đánh giá: 4/5
Đối tượng phù hợp:
Lời khuyên:
Trích dẫn:
***
Sự thật thường rẻ mạt, trừ phi nó nực cười như một lời nói dối, tôi chua xót nhận ra.
Những cuốn sách Pháp luôn gợi một cảm giác nào đó vô cùng lạ lùng, như thể những nhát cắn trên chiếc bánh gato nhiều tầng mà mỗi tầng lại chứa những cảm xúc khác nhau. Nhưng điểm chung là chúng hài hòa, đầy đủ hương vị, không cô đọng hay duy ý chí. Những nụ hôn điện ảnh từng mang đến cái đẹp của góc nhìn phía sau màn trập trong những gì hối tiếc đã qua; Hẹn gặp lại trên kia xuyên suốt là nỗi buồn thương, nhưng song song cũng là cái bất cần đời, là cái ngạo nghễ ngao du theo mọi phương hướng. Và Trong khi chờ Bojangles cũng không ngoại lệ. Nhẹ nhàng như một lời thủ thỉ, Olivier Bourdeaut xắn tay áo pha trộn cho độc giả một ly cocktail với đầy đủ hương vị thoang thoảng: một nỗi buồn vui, kích động, trầm lắng, xót xa trong một bút pháp tinh tế đến mức điêu tàn; và còn gì khác ngoài chờ người đọc đến thưởng?
Lý do đầu tiên chọn đọc Trong khi chờ Bojangles không gì hơn ấn tượng ban đầu với bìa sách theo chủ nghĩa tối giản mô tả cặp đôi đang khiêu vũ, phía sau là máy quay đĩa than thời đệ nhị Thế chiến và những khuôn nhạc lẻ tẻ tách dòng. Hơn thế nữa, tựa đề cuốn sách nhắc nhớ đến một bài ca của Nina Simone, Mr. Bojangles trong đĩa Here Comes The Sun. Quay lại quá khứ vào năm 1965, khi bị tống vào nhà tù bang New Orleans vì một vụ ám sát trên đường phố, ca sĩ nhạc đồng quê Jeff Walker đã làm quen với một người đàn ông vô gia cư cùng ngồi trong khám. Ở đó, khi người ta kể lại câu chuyện cuộc đời cho nhau nghe, người đàn ông này đã làm bầu không khí trầm xuống khi kể về chú chó đã chết của mình. Lập tức một ai đó muốn mọi thứ vui tươi trở lại, thế là họ nài nỉ người đàn ông nọ, Mr. Bojangles – đứng lên và nhảy một điệu tap dance. Sau này Bojangles trở thành một danh từ chung ý chỉ những nghệ sĩ đường phố nhảy tap dance thường thấy trong văn hóa Mỹ, bước chân vào Hollywood và phủ rộng các làn sóng văn hóa.
Điều cuốn hút hơn nữa còn là màu sắc mà bìa sách sử dụng. Như một cuốn phim âm bản giữa hai màu đen trắng được giản lược đến mức tối đa, cuốn sách như một mồi nhử khiêu khích người đọc – không cần màu mè hoa lá nhưng vẫn cuốn lấy người khác bằng vẻ huyễn hoặc. Và với Trong khi chờ Bojangles, người đọc phần nào cũng có thể phân định nó theo ba màu cơ bản: giữa trắng ngông cuồng, vui tươi; đen trầm uất, xót xa và đỏ của những vết thù hằn lại khi đến tận cùng cuốn sách. Sau khi trang cuối khép lại, chắc hẳn sẽ có ai đó nói đây là một nồi lẩu của tả pí lù mọi chuyện trên đời; nhưng chắc hẳn cũng có những người lật mở được điều gì đó giữa những tầng lớp ấy, để thấy được một tia sáng dù nhỏ mọn soi chiếu nội tâm nhẹ nhàng và thoảng hoặc như một cơn gió.
*
Cuốn sách kể về câu chuyện của một gia đình Pháp điển hình trong hai ngôi kể đan xen giữa bố và cậu con trai nhưng cùng hướng chung về nhân vật người mẹ. Nếu độc giả dễ dàng nhận ra tình cảm trìu mến trong những phân đoạn của bố, về những trò đùa tuổi trẻ, về tình yêu ngông cuồng; thì cậu con trai là góc nhìn vô cùng hồn nhiên, của những hờn giận, ghen tuông, của những thứ rất dễ chấp nhận khi bi kịch xảy đến. Nút thắt xoay chuyển mọi thứ có lẽ là vào ngày viên thanh tra thuế đến, và mọi thứ sụp đổ, kéo theo cơn điên của người mẹ như cơn bão chạm bờ. Tiếp sau đó là những tháng ngày chống chọi với buồn thương, của kiềm hãm cảm xúc, của tuyệt vọng đôi khi vô vọng. Như đã nói trên, Trong khi chờ Bojangles là cuốn sách tổng hòa của những hương vị, nên dẫu là ai, cuốn sách cũng khép mình đứng đó như chúng ta tự soi chiếu mình.
TRẮNG
Ngay câu mở đầu cuốn sách, Olivier Bourdeaut đã rào đón người đọc bước vào mảnh đất hài hước của mình bằng cách lựa chọn nhân vật độc đáo, giữa những cá nhân đầy rực rỡ tình yêu tuổi trẻ. Nếu người bố tự nhận mình như một tên hề tràn ngập hạnh phúc, với lối sống phóng túng và bất cần đời của những trò đùa với giới tư bản giàu có, dễ gợi nhắc đến Jack của Titanic; thì vợ anh, người mẹ luôn luôn chuyển động và không có một cái tên chính thức nào, sinh ra như để dành cho nhau.
Gặp nhau trong một bữa tiệc vô tình, họ choáng ngợp bởi cái nhìn chếnh choáng say rượu, và ngay sau đó trở thành tình nhân sau chuyến chạy thoát thực tại trong ánh đèn đường. Mối quan hệ không đầu không đuôi ấy mang cho người đọc những tràng cười mê mải, với những chi tiết khôi hài những tưởng chỉ David Williams mới nghĩ ra được, về việc mỗi ngày đặt một cái tên, và sử dụng cái tên ấy không quá hai ngày cho người mẹ; về việc nuôi con sếu mà sau này được gán biệt danh “Quý cô thừa thãi”, về những trận cãi nhau chí chóe giữa bà mẹ và cô giáo cậu con trai… Tất cả làm nên một bầu không khí dễ chịu, vui tươi của những nhân vật kỳ lạ, đôi lúc lạ lẫm đến phi logic. Nhưng người đọc có nề hà gì. Với họ, niềm vui đọng lại đằng sau các nhân vật này mới là trên hết.
Sự lãng mạn đậm chất Pháp cũng được Olivier mang vào cuốn sách này với nhạc jazz tụ hội tiệc tùng, với Nina Simone, với slow dance chậm rãi. Ở đó, vào những tối trong ngày, hai vợ chồng họ tổ chức tiệc cocktail cho đầy đủ mọi người, từ người quen thân cho đến chỉ mới gặp lần đầu. Không khí đậm chất hoài cổ mà vương giả ấy cho người đọc một sự ấm cúng giữa những cái chạm, ánh mắt, bờ môi; những cái lắc hông, chạm má tình tứ. Ngoài những nhân vật vui vẻ tràn ngập niềm vui ấy, Trong khi chờ Bojangles cũng đồng thời chứa đựng cái tinh tế mà đẹp đẽ của sự lãng mạn, rất Pháp, rất Âu châu.
Nhưng gia đình nhỏ hạnh phúc ấy, những tiệc tùng nhảy múa đến đêm ấy, những chuyến đi đến thiên đường – pháo đài Tây Ban Nha ấy kéo dài không lâu, mà hồi chuông cảnh tỉnh là thời khắc cái bấm chuông của ông thanh tra thuế vang lên. Hàng tá thư dồn đống trong góc mà họ chẳng buồn mở ra, hóa ra là nguồn cơn cho sự sụp đổ manh nha này. Người bố bất ngờ trước tài sản vật chất từng thứ trôi tuột qua tay, trong khi người mẹ suy sụp đến mức cơn điên tìm đến. Cốt truyện từ khoảnh khắc này trở đi hóa thành một màu đen nhẻm, của tuyệt vọng bi thiết. Olivier như một họa sĩ lành nghề của lĩnh vực sắc độ. Ông chuyển mạch truyện êm ả như cú cua gấp trong màn đêm chuyển màu ombre đầy thời trang. Và cũng từ đây, một mùi hương khác lại được thêm vào, nghe chừng ra mùi kết thúc.
ĐEN
Từ bi kịch ấy, chứng rối loạn lưỡng cực như đến xâm chiếm người mẹ. Bà bị phân thân giữa những tràng cười điên dại bất tận và những trò lố của người mất trí. Bà quên sạch mọi bước khiêu vũ, cứ thể khỏa thân đi mua thức ăn, cố gắng viết sách, sơn phủ lại nhà, rồi cuối cùng đốt chính ngôi đền Pantheon thiêng liêng của cuộc hôn nhân mình. Em đã đốt tất cả các kỷ niệm của chúng ta, chỉ có cách đó họ mới không tìm ra chúng, như câu nói một hôm khi căn hộ của họ bốc cháy, còn bà mụ mị thiếp đi khi tay vẫn ôm chiếc máy quay đĩa phát bài Mr. Bojangles và con sếu mang danh “Quý cô thừa thãi”.
Kể từ đó, người bố sống trong việc nhận thức rõ người mình yêu thương nhất đã không hoàn toàn như trước. Anh bình tâm an ủi cậu con trai bằng những câu sáo rỗng, rằng mọi thứ rồi sẽ ổn, rằng cả sự điên rồ này cũng thuộc về bố con ạ, rằng giờ thì đã qua hết rồi. Anh khóc ngay cả bữa sáng hay những bữa xem phim, khóc khi nhìn tấm hình cả gia đình nhỏ bé còn sót lại, khóc vào ban ngày thực sự khác lắm, vì đó là một mức độ đau buồn khác. Anh bất lực đứng nhìn người đàn bà mình yêu bị chuyển vào viện, ở tầng ba dành cho người chưa mất hẳn trí nhớ nhưng được chỉ định là không bình thường. Kể từ nay, ngày nào chúng tôi cũng phải chứng kiến cảnh mẹ nó mê sảng tại một phòng bệnh, rằng mẹ nó là một bệnh nhân tâm thần và nó phải ngoan ngoãn chờ mẹ khuất dần.
Nhưng cặp vợ chồng hoàn hảo ấy dĩ nhiên không dừng chân tại đó. Họ nuôi một kế hoạch khác để làm phong phú cuộc đời như họ vốn đã từng. Bằng cách nào? Cướp ngục bắt cóc bệnh nhân ra khỏi bệnh viện bằng lối cửa chính. Hẳn nhiên bạn không nghe nhầm, thế mới nói, Olivier là một tác gia kì lạ, ông thách thức mọi thứ logic chặt chẽ nhất, dễ thấy nhất; nhưng lạ thay, độc giả dễ dàng chấp nhận cho chính điều này. Tưởng như Catharina Ingelman-Sundberg của bộ Bà già phá luật, hai bố con họ đến giải cứu người mẹ trong viện tâm thần như cuốn phim Ba chàng ngốc. Họ rời khỏi đó, đến tòa lâu đài thiên đường của họ và sống cuộc đời như bao người muốn.
Nhưng cơn điên không vì thế mà tha thứ cho họ. Người mẹ và những cơn bùng phát nhất thời, giận dữ và đập phá liên tục sau đó, dẫn đến yêu cầu tối hậu được nhốt riêng trên căn áp mái của tòa pháo đài. Người bố vì tình yêu vô bờ bến cam chịu đồng ý. Ông xoa dịu bà mỗi khi cơn điên ập đến, rồi đến một lúc, ông bế bà lên những bậc thang, lên chốn ẩn nấp dành cho cơn điên quần tụ. Cậu bé thì bịt chặt tai, chạy ra hồ nước tránh xa tiếng hét. Cơn điên như loài gặm nhấm, ăn mòn ăn dần từ trong gốc rễ, từ trong gia đình. Không ai đứng đủ gần để quan sát, mà chỉ còn đó cây thông u linh đứng riêng một mình.
ĐỎ
Có hai chi tiết ẩn mình khiến người đọc trăn trở mãi trong câu chuyện của Olivier. Dẹp sang đằng sau những hài hước bề ngoài, những phi logic của cuộc giải cứu; thì hình ảnh người mẹ và nước mắt lăn dài khi pháo hoa rơi mang đến một chút gì đó như nhận thức về vẻ đẹp tự hủy. Khi sự sung túc vẫn còn mới chớm, những ngày sinh nhật của bà luôn được đánh dấu bằng những tối liên hoan âm nhạc, với cocktail, rượu vang, với slow dance, đầy đủ mọi thứ. Thế nhưng khi pháo hoa tàn, bà vẫn rơi nước mắt. Có thể là bởi vẻ đẹp tàn lụi nhanh chóng hay có thể đó là khi bà đã nhận ra điều sẽ đến? Không ai biết được. Chỉ biết cũng hình ảnh ấy, trong buổi tiệc địa phương của người Tây Ban Nha khi mọi thứ lụn bại, cuộc sống sắp kết thúc; câu hát của Nina Simone lại cất lên vang vọng, giữa những đỉnh cực trị lên xuống hình sin, của ảo ảnh chòng chành, của khoảnh khắc kết thúc quá sớm. Thời khắc ấy được kéo dãn ra như thời gian nhảy lên hẫng xuống của điệu tap dance, như thời khắc tan biến của tia lửa, như cuộc đời đã đến hồi kết. He jumps so high and then he lightly touches down.
Hình tượng thứ hai, cây thông ở trước hồ nước. Đối với người mẹ, trong những tháng ngày ảo ảnh vần chuyển của cơn điên loạn, đây là một trong những thứ khiến bà điên tiết đến mức đòi chặt nó đi. Không ai hiểu rõ được nguyên nhân hơn người trong cơn cuồng nộ ấy, nhưng liệu có phải vì nó đứng đơn độc trơ trụi một mình, thân phận của bà và nó như gần giống nhau? Bà muốn giải thoát nó, muốn nó phiêu diêu trên những con thuyền xuôi ngược đại dương, làm thứ có ích hơn là chỉ đứng yên đó. Còn với người bố đâm mình chán nản vào rượu mỗi tối, việc tưới rượu xuống cây thông ấy như đang mời rượu hay còn dụng ý nào khác? Liệu có âm mưu muốn phá hủy nó, biến nó thành chứng nhân cho tình yêu của ông với bà, chứng nhân cho sự hy sinh đến một đỉnh điểm vô bờ bến? Và cuối cùng khi mọi chuyện đã soi tỏ, rừng thông cũng là nơi ông trở lại, sống với bà, mặc kệ thế thái sau khi mọi thứ đã được nói rõ, mọi câu chuyện đã được kể xong. Cây thông đứng đó như sợi dây liên kết, như nỗi cô độc, như chứng nhân, như sự tan biến.
*
Trong khi chờ Bojangles không thiếu những điều vô lý, nhưng nếu hỏi độc giả có thể tha thứ cho nó không, e rằng câu trả lời là có. Olivier dựng lên một chuyện tình đẹp đẽ đến siêu thực, và những thứ vô lý ấy, nếu có thêm vào, chẳng qua cũng để sống trong giấc mơ tuyệt vời. Cuộc tình điên dại đầy hoang vu này đôi lúc gợi nhớ đến Mia và Sebastian trong La La Land và vẻ đẹp của sự tự hủy. Có chăng mối tương quan giữa những cuộc tình đẹp và sự kết thúc đầy trái ngoe? Không ai biết được. Nhưng với Trong khi chờ Bojangles, giọng văn kể cả của những trò đùa vỡ bụng và nỗi đau thầm kín đã hòa trộn vào nhau, làm nên tình yêu đẹp đến nghẹt thở. Với giọng văn nhẹ nhàng và sự thấu hiểu nhiều lớp cảm xúc, Olivier Bourdeaut đã viết nên một câu chuyện vô cùng đẹp đẽ, câu chuyện từ rất lâu rồi, từ sau La La Land, từ sau Bọt tháng ngày, từ sau Những nụ hôn điện ảnh độc giả mới một lần nữa lại được trải nghiệm, đắm chìm và dành một phút nhìn lại mọi thứ xung quanh.
Hết.
Ngô Thuận Phát