Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Cơm Thầy Cơm Cô

Tóm tắt & Review (Đánh Giá) Tập ký sự Cơm Thầy Cơm Cô của tác giả Vũ Trọng Phụng.

Cơm Thầy Cơm Cô (đăng báo 1936) cũng là một phóng sự mô tả hiện tượng những người dân thôn quê tìm ra đô thị do hấp lực của “ánh sáng kinh thành” để rồi bị biến thành những vú em, con sen thằng ở, thằng bồi thằng xe, bị bóc lột sức lực, bị lạm dụng tình dục, bị buôn đi bán lại, không ít người biến thành trộm cắp, đĩ điếm, làm gia tăng các tệ nạn xã hội. Ở đây nhà văn đã sớm phát hiện những hậu quả tha hóa, phi nhân hóa, gây ra bởi sự di dân, sự nhập cư, là những hiện tượng mà quy mô sẽ tăng lên hàng chục hàng trăm lần khi xã hội ta bước sang thời công nghiêp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa. Một số truyện khác: Con người điêu trá, cuộc vui ít có, bụng trẻ con, tình là dây oan….

***

Một thứ “mặt trái đời”.

Kết quả chuyến xâm nhập điều tra nghề cơm thầy cơm cô của Vũ Trọng Phụng đã bị nhà báo Lê Tràng Kiều xem là một thứ “mặt trái đời” của thời Hoàng Tích Chu ở một hình thể mới. Kiều cho rằng những điều Phụng tố cáo là những sự thực nên kiêng, bởi có quá nhiều điều đáng kinh sợ trong những mẫu hạng về giới cơm thầy cơm cô:

“Có những đứa đầy tớ bị chủ nhà đánh chết.
Có những con sen được ông chủ quý hơn vợ.
Có những thằng nhỏ bỏ thuốc độc định giết cả nhà chủ nhà.
Có những anh bếp nhổ đờm vào nồi cá kho.
Có những vú già quyền hành như mẹ “cậu mợ”.
Có những thằng nhỏ được kỳ lưng cho các tiểu thư.
Có những anh xe được ngủ giường Hồng kông với bà chủ.
Có những đứa ở lúc chủ chết khóc như khóc bố mẹ.
Có những đứa liều mạng cứu chủ.
Có những quân đốt nhà của chủ.
Hoặc dắt cướp vào nhà.
Hoặc thư đi thư lại, làm nghề ma cô.
Có những thằng nhỏ hiếp con gái ông phán.
Có những con sen bị ông tham hiếp dâm.
Có nhiều!”

Có tốt, có xấu, chẳng thể chỉ viết điều tốt không, mà đem tất cả điều xấu ra nói thì khó tránh kiểm duyệt. Trong lúc trù trừ Phụng đã được Nguyễn Công Hoan đề nghị:

“Mình cứ việc điều tra ngay ở chính mình!”

Và rồi phóng sự “Cơm thầy cơm cô” được xuất bản năm 1936, gồm 9 chương và phần mở đầu, ghi lại hết thảy hiện thực một cách chân thực về chuyến điều tra mà nhà văn là nhân vật “tôi” đi xin việc.

Cám dỗ của “ánh sáng kinh thành”.

Sau hòa ước Patenôtre 1884 – hòa ước cuối cùng nhà Nguyễn ký với thực dân Pháp – thực dân Pháp chia nước ta làm 3 miền với 3 chế độ cai trị khác nhau. Nam Kỳ với chế độ thuộc địa. Trung Kỳ theo chế độ nửa thuộc địa, nửa bảo hộ. Riêng Bắc Kỳ hoàn toàn theo chế độ bảo hộ.

Bắc Kỳ, nơi đất ít, người đông, khí hậu khắc nghiệt nên quan hệ làng xã được duy trì bền vững, thực dân Pháp lợi dụng mối quan hệ này để định ra cách cai trị riêng cho Bắc Kỳ. Chúng giữ nguyên bộ máy cai trị của phong kiến để biến tầng lớp này thành tay sai đắc lực cho chính quyền Pháp ở Đông Dương bằng cách trao cho họ những quyền lợi về kinh tế và chính trị, nhằm mua chuộc người Việt làm tay sai cho thực dân Pháp, chia rẽ sự đoàn kết, đẩy nhanh quá trình phân hoá giàu nghèo, làm tăng mâu thuẫn trong xã hội, làm cho nhiều gia đình nông dân điêu đứng, bần cùng.

“Cơm thầy cơm cô” là kết quả cuộc điều tra về nạn buôn người và nghề đi ở của ông vua phóng sự đất Bắc những năm 1930, dưới hậu quả thâm độc trong chính sách cai trị bóc lột của thực dân Pháp, người nông dân nghèo không biết làm gì cho có cái ăn, cái mặc, buộc phải di dân, buộc phải rời làng quê đi đến Hà thành với hy vọng đổi đời.

Có lẽ những đêm không trăng không sao, người nhà quê vùng Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hòa Bình mỗi khi ra sân, quay về một phía trời, đã thấy có một vùng hào quang sáng rực.

Đó là ánh sáng của kinh đô Hà Nội!

Nơi nghìn năm văn vật, dân giàu, nhiều tiền lắm của, dễ kiếm sinh nhai… Ánh sáng kinh thành cám dỗ người dân quê. Khi ra đi, có lẽ họ chắc mẩm trong bụng về công việc vẻ vang. Họ như con thiêu thân bay vào đống lửa, cho nên mới bị quáng mắt bởi những ánh sáng của kinh thành.

Trong khi chờ cho có việc, họ có mấy đồng xu cứ ăn hết dần.

“Đến cái ngày mà túi cạn mà việc chưa có, mà không ai thí cho đồng chinh hay bát cháo, tất là họ phải sinh ra liều mạng, có những lá gan to. Đàn bà sẽ đi đến Dục tình. Đàn ông sẽ đi đến Hình phạt.”

Hiện tượng những người dân thôn quê bỏ nhà bỏ cửa ồ ạt nối đuôi nhau ra đô thị, một mặt do điêu đứng bần cùng bởi sưu cao thuế nặng nơi làng quê, một mặt do hấp lực của “ánh sáng kinh thành” để rồi bị biến thành những vú em, những con sen thằng ở, những thằng bồi thằng xe… Họ bị bóc lột sức lao động, bị lạm dụng tình dục, bị buôn đi bán lại, không ít người biến thành trộm cắp, đĩ điếm, làm gia tăng các tệ nạn xã hội.

Bằng phong cách của người làm báo, Vũ Trọng Phụng nói thẳng, nói thực, tả chân. Ông đi sâu vào điều tra xã hội con sen thời bấy giờ.

Khi giá trị con người có lúc không bằng lũ súc vật.

Đám dân hạ lưu chia nhau ra khắp các phố, như dòng nước len lỏi qua các cống ngầm, thành thử những người lịch sự tưởng Hà thành lịch sự, mà các nhà xã hội học cũng tưởng là Hà thành không có chuyện gì bi thương.

Nhưng thực ra, nó rất là thương tâm.

“Nó đã cất tiếng gọi dân quê bỏ những nơi đồng khô cỏ héo đến đây để chết đói một lần thứ hai sau khi bỏ cửa bỏ nhà. Nó đã làm cho giá con người phải ngang hàng với giá loài vật: Nó đã làm cho một bọn trẻ đực vào nhà Hoả Lò và một bọn trẻ cái làm nghề mãi dâm!”

Cái cách dùng từ “bọn trẻ đực” và “bọn trẻ cái” sao mà đắt giá!

Bởi giá trị con người có khi không bằng giá súc vật.

Người dân quê đi đến được đất Hà thành, để kiếm việc làm phải nhờ vào mụ làm nghề đưa người ở, mụ tập trung họ đến chợ buôn người, họ ngồi giơ mặt cho ruồi bâu, chờ được mua. Mỗi người chỉ cầu như một con chó, nhiều khi kém một con chó. Vì con chó có khi còn được chủ mua thịt bò cho ăn, vì con chó có khi mỗi tháng còn khiến chủ tốn kém hơn nuôi một đứa tôi tớ trong nhà. Còn phận tôi đòi đem chân tay ra làm nhiều việc có ích, rất nặng nhọc, ăn đói làm no, mà vẫn không kiếm được việc, không có khách nào muốn mua.

Rõ ràng không phải ra giá cao nên ế, chính là bán rẻ mà vẫn ế!

Vũ Trọng Phụng phơi bày một sự thật trần trụi đến đau lòng, khi phận con người khát khao đời sống của một con chó còn không được. “Nước mẹ đại Pháp” đã làm gì nhân dân Việt Nam thế này? Vũ Trọng Phụng đã viết ra hiện thực mà nhiều người không dám viết, không phải ông nhìn đời bằng con mắt đen, mà thực tế xã hội Việt Nam dưới chính sách bảo hộ đầy thâm độc của thực dân Pháp đã mục nát như vậy rồi.

Từ việc mua bán người, ra giá, trả giá như đồ vật, đến những sự việc diễn ra khi đi ở, bị bạo hành, bị hãm hiếp, trả thù… quan hệ nhân quả và sự tha hóa bản chất con người quả thật đã khiến độc giả phải rùng mình ghê sợ.

Với một thái độ trung dung, Vũ Trọng Phụng không đứng về phía quân chủ nhà, cũng không bênh vực đám đầy tớ, ông chỉ đơn giản là trần thuật nguyên nhân, quá trình, hậu quả, hệ lụy… Tất cả là cái phông nền bộc lộ rõ bản chất xã hội đất Hà thành dưới thời Pháp thuộc.

“Nghệ thuật thì dài mà cuộc đời thì ngắn.”

Danh ngôn của Hippocrates – cha đẻ Y học, người thầy thuốc vĩ đại nhất lịch sử Hy Lạp cổ đại – như ứng vào cuộc đời Vũ Trọng Phụng. Chỉ với 27 năm kiếp người và vỏn vẹn 9 năm cầm bút, ông đã để lại những đứa con tinh thần mang gen trội với sức sống dồi dào theo thời gian.

Vũ Trọng Phụng không sợ cũng không ngại đào sâu vào những u uất của xã hội đương thời, những cái điều mà nhà văn khác e ngại nói ra. Với “Cơm thầy cơm cô”, nhà văn đã phát hiện những hệ lụy tha hóa, phi nhân hóa gây ra bởi di dân và nhập cư, cùng hậu quả ghê rợn của nó dưới thời Pháp thuộc. Ngày nay, khi đất nước ta bước sang thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, thì ảnh hưởng bởi hiện tượng này vẫn còn, tuy nhiên dưới sự quan tâm và quản lý của nhà nước Việt Nam, dù là di cư thì cuộc sống nhân dân vẫn có nhiều ổn định.

Vũ Trọng Phụng đã chứng minh cái tài của người cầm bút được tôn vinh là “ông vua phóng sự đất Bắc”, mang đôi mắt tỏ tường trước xã hội dù nơi ánh đèn soi rực rỡ hay nơi tối tăm hôi hám, mang lòng can đảm dám viết thực theo lối tả chân. Bởi vậy mà văn Vũ Trọng Phụng vẫn sống và đang sống căng tràn trên diễn đàn văn học cả trong và ngoài nước.

Mời các bạn mượn đọc sách Cơm Thầy Cơm Cô của tác giả Vũ Trọng Phụng.